Kinh nghiệm của anh, úc và hoa kỳ về đảm bảo các điều kiện phát triển giáo dục quốc gia-ThS. Lê Thị Thu Liễu

KINH NGHIỆM CỦA ANH, ÚC VÀ HOA KỲ VỀ ĐẢM BẢO CÁC ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC QUỐC GIA

 

ThS. Lê Thị Thu Liễu,

Viện nghiên cứu Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Tp. HCM

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.; ĐT: 0977 962 984

Tóm tắt

Bài viết trình bày các kinh nghiệm của các quốc gia Anh, Úc và Hoa Kỳ trong việc đảm bảo các điều kiện phát triển giáo dục quốc gia. Ở mỗi quốc gia, bài viết tập trung phân tích các chính sách giáo dục quan trọng ở bậc học: mầm non và phổ thông để cho thấy mỗi quốc gia có các cách thức riêng trong việc đảm bảo phát triển giáo dục của mình tùy thuộc vào quan điểm chính trị, bối cảnh giáo dục, kinh tế - xã hội của mỗi nước.

Từ khóa: kinh nghiệm; đảm bảo; các điều kiện phát triển giáo dục quốc gia; Anh; Úc; Hoa Kỳ.

 

Abstract

This paper presents experiences of the United Kingdom, Australia and the United States in ensuring circumstances of educational development at national level. In each coutry, we focus on analysis of crucial educational policies at early childhood education and general education levels to show that each country has its own ways of ensuring its educational development depending on political views and educational and socio-economic contexts of each country.

Key-words: experiences; ensuring; circumstances of educational development at national level; United Kingdom; Australia; and the United States.

 

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Anh, Úc và Hoa Kỳ được xem là những quốc gia có nền giáo dục phát triển tiên tiến hàng đầu thế giới. Để có được những thành tựu nổi bật về giáo dục, các quốc gia này cũng đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài và có những chính sách giáo dục hiệu quả. Để tìm hiểu về các thành tựu trong việc xây dựng và hình thành các chính sách giáo dục quan trọng, nhằm đảm bảo các điều kiện phát triển giáo dục quốc gia, trong phần tiếp theo đây, bài viết tập trung giới thiệu và phân tích kinh nghiệm của các nước trong việc đảm bảo các điều kiện phát triển giáo dục quốc gia.

  1. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

2.1 Kinh nghiệm của Anh về việc đảm bảo phát triển giáo dục quốc gia

Ở Anh, ở từng bậc học, chính phủ có các chính sách giáo dục tương ứng để đẩy mạnh sự phát triển giáo dục ở phạm vi quốc gia từ sau năm 1980. Việc ban hành chương trình giáo dục mầm non quốc gia vào năm 1988; Chiến lược trẻ em quốc gia trong đó hướng tới việc cung cấp giáo dục mầm non miễn phí cho trẻ em 4 tuổi trên khắp nước Anh được đưa ra vào năm 1997 được xem là những chính sách giáo dục quốc gia nổi bật trong giai đoạn kể từ năm 1980 cho đến những năm 2000 (Chính phủ Anh, 2018).

Chính phủ đã có rất nhiều các chính sách và sự đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đầu đời kể từ năm 1997. Chẳng hạn như, chương trình Khởi đầu chắc chắn (The Sure Start Programme) được đưa ra và được giám sát bởi 7 cơ quan của chính phủ liên quan đến y tế, giáo dục, môi trường và giao thông (Katz & Valentine, 2009). Chương trình nhằm hướng tới 5 mục tiêu: cải thiện sự phát triển xã hội và cảm xúc; cải thiện sức khỏe; cải thiện khả năng học tập; tăng cường hợp tác với gia đình và cộng đồng; và tăng cường năng suất hoạt động của các cơ sở giáo dục và chăm sóc trẻ mầm non (Katz & Valentine, 2009). Tính đến năm 2013, có ít nhất khoảng 250 chương trình khởi đầu chắc chắn được triển khai ở Anh (Katz & Valentine, 2009). Vào năm 2003, Chính phủ đã thiết lập được các chương trình cho các trung tâm giáo dục mầm non, xây dựng các trung tâm xuất sắc về giáo dục đầu đời (The Early Excellence Centres) và các trung tâm chăm sóc trẻ; sáng kiến về các cơ sở chăm sóc trẻ (Neighbourhood Nurseries Initiative) nhằm đáp ứng nhu cầu của trẻ và phụ huynh trẻ ở các khu vực khó khăn đã cho phép thành lập khoảng 1400 cơ sở vào năm 2005;…

Theo OECD (2013), các chính sách giáo dục liên quan đến việc giáo dục và chăm sóc trẻ mầm non ở Anh được thực hiện bởi nhiều cơ quan liên quan, bao gồm: Sở Giáo dục và Nghề nghiệp (the Department for Education and Employment - DFEE); Sở Xã hội và An ninh (the Department for Social Security - DSS); Sở Môi trường, Giáo thông và Vùng lãnh thổ (the Department of the Environment, Transport and Regions - DETR); Sở Y tế (the Department of Health); Kho bạc (the Treasury); Văn phòng Nhà ở (the Home Office), Cơ quan lưu trữ (the Cabinet). Nếu trước đây, các dịch vụ dành cho trẻ em mới sinh cho đến 3 tuổi thuộc quyền quản lý của Sở Xã hội và An Ninh, thì các dịch vụ dành cho trẻ từ 3-5 tuổi thuộc quyền quản lý của Sở Giáo dục và Nghề nghiệp (OECD, 2013). Tuy nhiên, hiện nay chính phủ đã giao cho Sở Giáo dục và Nghề nghiệp phụ trách các dịch vụ giáo dục và chăm sóc trẻ ở giai đoạn mầm non. Trong cơ cấu của Sở Giáo dục và Nghề nghiệp có một số đơn vị nhỏ như: Cơ quan chăm sóc trẻ em (the Childcare Unit), Bộ phận những năm đầu đời (the Early Years Division) và Đơn vị khởi đầu chắc chắn (the Sure Start Unit). Theo đó, để thực hiện đảm bảo các điều kiện phát triển giáo dục quốc gia về giáo dục mầm non, các chính sách giáo dục được triển khai theo đúng chức năng và hệ thống từ trên xuống từ các cơ quan và đơn vị này (OECD, 2013).

Bên cạnh đó, để đảm bảo tốt các điều kiện phát triển quốc gia về giáo dục mầm non, chính phủ Anh đã ban hành các chính sách về đảm bảo chất lượng và thanh tra chất lượng (OECD, 2013). Cụ thể, theo các quy định để thành lập các cơ sở giáo dục và chăm sóc trẻ mầm non ở Anh, các cơ sở giáo dục mầm non được tài trợ của nhà nước trong các lĩnh vực được duy trì, tư nhân, tự nguyên và độc lập sẽ được thanh tra bởi tổ chức Cơ quan về Tiêu chuẩn Giáo dục, Dịch và Kỹ năng cho trẻ em (Office for Standards in Education, Children's Services and Skills - OFSTED); các cơ sở chăm sóc trẻ ban ngày hoạt động trong các khu vực tư nhân, tự nguyện và độc lập sẽ được giám sát bởi Sở dịch vụ xã hội của địa phương theo Luật trẻ em năm 1989. OFSTED là cơ quan độc lập, phi chính phủ thuộc Sở Giáo dục và Nghề nghiệp Anh. Các báo cáo thanh tra về các cơ sở giáo dục mầm non sẽ được công bố trên tập san và trang web của cơ quan này theo định kỳ. Thông qua hoạt động của Cơ quan này và Sở Giáo dục và Nghề nghiệp Anh, chính phủ Anh nỗ lực cung cấp các chỉ dẫn rõ ràng hơn về các khía cạnh tạo nên các dịch vụ giáo dục và chăm sóc trẻ mầm non có chất lượng tông qua việc công bố các chỉ dẫn chất lượng, việc phát triển các chương trình giáo dục mầm non và khung thanh tra chất lượng (Bertram & Pascal, 1999, trích trong OECD, 2013).

Đối với lĩnh vực giáo dục tiểu học và trung học, các thành tựu và chính sách giáo dục nổi bật nhất từ năm 1980 trở lại đây đó chính là chương trình giáo dục tiểu học và trung học cơ sở quốc gia được đưa ra vào năm 1988 và việc xây dựng và triển khai hệ thống đánh giá kiểm tra đánh giá quốc gia ở bậc tiểu học thông qua các bài kiểm tra chuẩn hóa; việc đẩy mạnh tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường cũng như tăng cường sự lựa chọn trường của phụ huynh thể hiện qua việc yêu cầu các trường công bố các kết quả trong các kỳ thi chuẩn hóa quốc gia của học sinh và việc sử dụng các kết quả này để phân tích, dự báo cũng như so sánh các dữ liệu của các trường để một phần phục vụ cho việc xếp hạng các trường.

Cụ thể, ở lĩnh vực giáo dục tiểu học, hai cơ chế được Chính phủ nhận thấy như một cách thức khả thi để nâng cao việc quản lý giáo dục của Chính phủ đó là: chương trình giáo dục quốc gia và hệ thống kiểm tra đánh giá quốc gia theo quy định (Wysea & Torrance, 2009). Các thay đổi trong chương trình học và hệ thống kiểm tra đánh giá quốc gia ở Anh cụ thể là từ năm 1997 có thể thấy có sự liên kết chặt chẽ với các chương trình nghị sự giáo dục quốc tế (Wysea & Torrance, 2009).

Ở lĩnh vực giáo dục trung học, các đổi mới được thể hiện tích cực nhất ở lĩnh vực này là việc tăng cường nhiều cơ hội để lựa chọn trường học cho con em mình của phụ huynh và các trường phải nâng cao tính tự chủ của minh; việc ban hành chương trình học quốc gia để áp dụng rộng rãi trong các trường; và các nỗ lực gia tăng sự tham gia của học sinh sau hệ học bắt buộc (Johnson, 2004). Bên cạnh đó, các chính sách đổi mới theo hướng áp dụng cơ chế thị trường trong giáo dục làm gia tăng cơ hội lựa chọn trường của phụ huynh, đồng thời cải thiện tính tự chủ đối với các trường công được nhà nước tài trợ cũng là một chính sách đổi mới quan trọng trong lĩnh vực giáo dục trung học của Đảng Lao động (Tomlinson, 2011).

2.2. Kinh nghiệm của Úc về việc đảm bảo phát triển giáo dục quốc gia

Các chính sách quốc gia quan trọng về giáo dục mầm non ở Úc tập trung vào xây dựng khung giáo dục dài hạn cho lĩnh vực giáo dục mầm non và đội ngũ chăm sóc trẻ mầm non. Bên cạnh đó, tương tự như ở Anh, để đảm bảo các điều kiện cho phát triển giáo dục mầm non, chính phủ Úc cũng đưa ra Khung Chất lượng Quốc gia về Giáo dục và Chăm sóc trẻ ở những năm đầu đời (National Quality Framework for Early Childhood Education and Care) để có thể quản lý và giám sát chất lượng của các cơ sở cung cấp các dịch vụ về giáo dục và chăm sóc trẻ một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đưa ra rất nhiều sáng kiến và chính sách giáo dục để phát triển bậc học này bao gồm: Điều tra về sự phát triển của giáo dục đầu đời ở Úc (Australian Early Development Census); Khung Giáo dục cho những năm đầu đời (Early Years Learning Framework); Chiến lược nguồn lao động cho giáo dục những năm đầu đời (Early Years Workforce Strategy); Chương trình tương tác tại nhà cho phụ huynh và trẻ (Home Interaction Program for Parents and Youngsters); Chiến lược Phát triển Quốc gia về Giáo dục đầu đời (National Early Childhood Development Strategy; và Cách tiếp cận phổ cập với Giáo dục những năm đầu đời (Universal Access to Early Childhood Education) (Chính phủ Úc, 2018). Các chính sách và sáng kiến nhằm hướng tới mục đích cung cấp các cơ hội giáo dục bình đẳng cho người dân ở các vùng lãnh thổ trên khắp nước Úc và tăng cường chất lượng các chương trình giáo dục ở những năm đầu đời cho trẻ em.

Trong lĩnh vực giáo dục bắt buộc (tiểu học và trung học cơ sở), các chính sách giáo dục của chính phủ cũng tập trung vào các vấn đề lớn như: giảm thiếu sự bất công bằng trong giáo dục; việc lựa chọn trường học; việc hỗ trợ và tài trợ của Chính phủ trong việc phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của các trường. Các chính sách giáo dục quốc gia ở Úc dành cho bậc sau trung học bắt buộc gồm trung học phổ thông, giáo dục nghề và đại học chủ yếu tập trung vào một số chủ đề như: nâng cao các kỹ năng của người học để có thể đáp ứng được với những yêu cầu của nền kinh tế đang thay đổi một cách nhanh chóng.

Đối với bậc trung học phổ thông và sau trung học phổ thông, các chính sách được đưa ra nhằm nâng cao các kỹ năng của người học để có thể đáp ứng được với các yêu cầu của nền kinh tế luôn thay đổi thông qua các chính sách về nâng cao chất lượng ở bậc đại học, các chương trình phát triển và tăng cường kỹ năng cho lực lượng lao động…

Để đảm bảo được các điều kiện phát triển cho các bậc học nói chung và ở bậc tiểu học, trung học cơ sở nói riêng, chính phủ Úc cũng thiết lập Khung trình độ Quốc gia Úc (The Australian Qualifications Framework); hệ thống đánh giá trong đó sử dụng các khung tiêu chuẩn rõ ràng để thể hiện các đo lường thành tích học tập quan trọng của học sinh; Chương trình Đánh giá Quốc gia được triển khai để đánh giá học sinh ở các năm lớp 3,5,7,9 về khả năng biết chữ và tính toán (the National Assessment Program – Literacy and Numeracy - NAPLAN) của học sinh; chính sách đối sánh giáo dục trong đó yêu cầu các trường tham gia công bố các dữ liệu về thành tích học tập của học sinh và hoạt động của trường qua website Myschool; và chương trình học quốc gia được thông qua vào năm 2015. Ngoài ra, để quản lý chất lượng và sự phát triển của đội ngũ giáo viên, Chính phủ cũng ban hành Khung Phát triển và Thành tích Giáo viên Úc (An Australian Teacher Performance and Development Framework) vào năm 2013.

2.3. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ về việc đảm bảo phát triển giáo dục quốc gia

Nhìn chung, các chính sách giáo dục quốc gia nổi bật của Hoa Kỳ từ những năm 1990 cho đến năm 2016 thể hiện các chiến lược đối với giáo dục của từng Đảng cầm quyền trong từng giai đoạn. Chẳng hạn như, trong giai đoạn từ 1992 đến 2000, chính phủ Hoa Kỳ tập trung vào việc hỗ trợ cho các bang về các tiêu chuẩn và đánh giá, cũng như việc thực hiện đổi mới của các trường học dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá thông qua Các mục tiêu năm 2000: Luật Giáo dục Hoa Kỳ được ban hành vào năm 1994; tạo ra một khung rõ ràng cho chương trình học, việc đánh giá, đào tạo giáo viên, các mục tiêu học tập và vấn đề về tự chịu trách nhiệm của các trường học ở các bang thông qua việc cải tiến và sửa đổi Luật Giáo dục Tiểu học và Trung học thành Cải thiện Luật cho các trường học ở Hoa Kỳ (Improving America’s Schools Act - IASA); việc cung cấp các kinh nghiệm việc làm cho học sinh trung học phổ thông và sau trung học phổ thông thông qua việc ban hành Luật Cơ hội từ trường học tới công việc (the School-to-Work Opportunities Act - STWOA); việc tăng cường mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và các bang, các trường học thông qua chính sách về Luật Đầu tư cho Lực lượng lao động (the Workforce Investment Act). Các chính sách đổi mới giáo dục trong thời kỳ này nhấn mạnh việc đổi mới dựa trên các tiêu chuẩn thông qua việc chính phủ cung cấp các khoản tài trợ cho các bang để phát triển các tiêu chuẩn và các hình thức đánh giá để đo lường thành tích giáo dục của các trường học cũng như của các bang (Savagea & O’Connora, 2014).

Để đảm bảo các điều kiện phát triển cho các chính sách giáo dục quốc gia, hệ thống các tiêu chuẩn và hệ thống đánh giá ở từng bang chính là yêu cầu và điều kiện tiên quyết đối với các bang để giúp cho việc thực thi được các chính sách ở cấp liên bang/quốc gia một cách hiệu quả.

Trong giai đoạn 2001 - 2008, Đạo luật “No Child Left Behind” được ban hành vào năm 2001, được xem như một trong những chính sách giáo dục then chốt nhất của chính phủ ở giai đoạn này. Đạo luật hướng tới việc đảm bảo tất cả trẻ em có cơ hội bình đăng và công bằng như nhau trong việc đạt được nền giáo dục chất lượng cao. Đạo luật được xem là một cách thức để tăng tính tự chủ đối với các trường học và giáo viên, song cũng có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Đạo luật này có thể làm giảm hiệu quả giảng dạy và việc học tập của học sinh bởi với việc nhấn mạnh vào hình thức đánh giá thông qua các bài kiểm tra chuẩn hóa có thể tạo ra động lực “dạy để thi” của giáo viên thay vì tập trung vào sự hiểu biết sâu của học sinh đối với các kiến thức trong chương trình.

Để đảm bảo cho chính sách này được thực thi một cách có hiệu quả, chính phủ yêu cầu các trường phải đạt được Sự tiến bộ theo năm tương đối (Adequate Yearly Progress) dựa trên các điểm kiểm tra chuẩn hóa được thực hiện ở cấp độ bang cho học sinh, đồng thời, yêu cầu các bang phải thiết lập các mục tiêu về sự tiến bộ tương đối theo năm học cho các trường tương thích chặt chẽ với các yêu cầu của Đạo luật (Savagea & O’Connora, 2014).

Vấn đề về phát triển giáo dục trong giai đoạn 2009 - 2016 cũng được hết sức chú trọng và giáo dục thông qua nhiều chính sách trong đó có chính sách cung cấp một gói viện trợ kích thích cho các bang để thực hiện chương trình cải cách giáo dục tại các bang có tên gọi là Race to the Top Fund  nhằm giúp các bang giải quyết 4 mục tiêu cải cách giáo dục quan trọng gồm: việc sử dụng các tiêu chuẩn đánh giá quốc tế và đánh giá; việc tuyển dụng và duy trì hiệu quả giáo viên và hiệu trưởng; việc áp dụng các hệ thống dữ liệu để theo dõi sự tiến bộ của học sinh; các biện pháp để cải tiến các trường có chất lượng thấp.

  1. KẾT LUẬN

Nhìn chung, mặc dù mỗi quốc gia Anh, Úc hay Hoa Kỳ một số đặc điểm khác nhau riêng biệt trong việc đảm bảo các điều kiện phát triển quốc gia, nhưng các quốc gia vẫn có một số điểm chung tương đồng như hướng tới sử dụng các chương trình học và hệ thống kiểm tra, đánh giá quốc gia như ở Anh (đối với chương trình tiểu học và trung học cơ sở), ở Úc (đối với chương trình từ lớp khởi đầu cho đến lớp 10); chương trình và hệ thống kiểm tra đánh giá ở cấp bang như ở Hoa Kỳ; xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đối với các cơ sở giáo dục ở cấp độ quốc gia hoặc bang để có thể quản lý và đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục; khuyến khích việc áp dụng cơ chế tự đánh giá và đánh giá ngoài về chất lượng giáo dục căn cứ vào các tiêu chuẩn đánh giá; tạo ra các cơ hội giáo dục bình đẳng cho học sinh. Bên cạnh đó, để có thể đảm bảo sự phát triển của giáo dục trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, các quốc gia cũng tập trung vào giải quyết các vấn đề như: tăng cường sự lựa chọn của phụ huynh đối với các dịch vụ giáo dục khác nhau thông qua các chính sách tăng cường tính giải trình, công khai chất lượng, khuyến khích các trường tham gia vào các hệ thống đối sánh giáo dục (chẳng hạn như hệ thống MySchool ở Úc); khuyến khích sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau (tư nhân, quốc tế) vào việc tham gia cung ứng các dịch vụ giáo dục.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Chính phủ Anh. (2018). Truy cập từ trang https://www.gov.uk/government/organisations/ofsted ngày 03/07/2018
  2. Chính phủ Úc. (2018). Tải xuống từ trang https://www.australia.gov.au/search/site/early%20childhood ngày 30/06/2018.
  3. Johnson, P. (2004). Education Policy in England. Oxford Review of Economic, vol 20 (2).
  4. Katz, I. & Valentine, L. (2009). Lessons from the UK Sure Start Programme. Tải xuống từ https://www.sprc.unsw.edu.au/media/SPRCFile/2009_Report2_09_Lessons_from_Sure_Start.pdf ngày 03/07/2018.
  5. (2013). Education Policy Outlook: Australia. Tải xuống từ trang http://www.oecd.org/education/EDUCATION%20POLICY%20OUTLOOK%20AUSTRALIA_EN.pdf ngày 01/07/2018.
  6. Savage, G.C. & O’Connor, K. (2015) National agendas in global times: curriculum reforms in Australia and the USA since the 1980s. Journal of Education Policy, 30:5, 609-630.
  7. Tomlinson, S. (2001). Education Policy, 1997-2000: The effects on top, bottom and middle England. International Studies in Sociology of Education, 11:3, 261-278.
  8. Wyse, D. & Torrance, H. (2009). The development and consequences of national curriculum assessment for primary education in England. Educational Research, 51:2, 213-228.