Hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học ở hoa kỳ trong việc đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động-Lê Thị Thu Liễu

HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Ở HOA KỲ TRONG VIỆC ĐÁP ỨNG VỚI NHU CẦU
CỦA THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Lê Thị Thu Liễu*

TÓM TẮT

Việc đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động là một hoạt động hết sức quan trọng của các cơ sở giáo dục đại học nói chung và các cơ sở giáo dục đại học ở Hoa Kỳ nói riêng bởi vì việc này sẽ giúp cho các trường đưa ra các cải tiến liên tục về chương trình đào tạo cũng như các dịch vụ của mình để phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Bài viết này sẽ trình bày và phân tích về các cách tiếp cận và các hoạt động của các loại hình cơ sở giáo dục đại học ở Hoa Kỳ khác nhau trong việc đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động.

Từ khóa: sự đáp ứng, nhu cầu của thị trường lao động, cơ sở giáo dục đại học, Hoa Kỳ.

ABSTRACT

Activities of tertiary of education institutions in the United States
in meeting with needs of labour market

Meeting the needs of the labor market is very crucial activity for tertiary education institutions in general and tertiary education institutions in the United States in particular because this help schools make continuous improvements in their programs and services in order to meet the needs of the labor market. This paper will present and analyze the different approaches and activities of different types of higher education institutions in the United States in responding to the needs of the labor market.Key words: meeting, labor market needs, tertiary education institutions, United States.

  1. Đặt vấn đề

Hệ thống giáo dục đại học ở Hoa Kỳ gồm 4 nhóm cơ sở đào tạo: các trường cao đẳng cộng đồng; các trường đại học công lập 4 năm; các cơ sở giáo dục đại học tư nhân phi lợi nhuận; và các cơ sở giáo dục đại học tư nhân vì lợi nhuận. Giáo đục đại học Hoa Kỳ bị chi phối bởi 3 triết lý quan trọng đó là: sự tự do của các cá nhân, của cộng đồng tôn giáo và của các bang khác nhau; các ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản và sự tin tưởng vào các nguyên tắc của thị trường; và cam kết về cơ hội công bằng trong giáo dục (Eckel & King; World Economic Forum, 2014). Việc phát triển của hệ thống các trường cao đẳng và đại học tư cùng với quá trình tư nhân hóa đang gia tăng của các trường cao đẳng và đại học công đang là xu thế nổi bật trong hệ thống giáo dục đại học ở Hoa Kỳ trong những năm gần đây (Kottmann & Weert, 2013, Eckel & King, 2007). Bên cạnh đó, với sự đa dạng về các loại hình cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo đục đại học Hoa Kỳ, mối liên hệ giữa thị trường lao động và giáo dục đại học cũng hết sức phong phú và phức tạp (Kottmann & Weert, 2013). Chính bởi vậy, cách tiếp cận và hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học ở Hoa Kỳ nhằm đáp ứng các nhu cầu của thị trường lao động cũng hết sức đa dạng. Trong phần dưới đây, chúng tôi sẽ đưa ra các phân tích cụ thể đối với các cách tiếp cận và hoạt động khác nhau của các cơ sở giáo dục này đối với việc đáp ứng các nhu cầu của thị trường lao động.

  1. Các hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học Hoa Kỳ trong việc đáp ứng các nhu cầu của thị trường lao động

Hai mục tiêu chính được đưa ra trong sự liên kết giữa thị trường lao động và giáo dục đại học ở Hoa Kỳ đó là, sự liên kết các vị trí việc làm và sự liên kết giữa các kỹ năng (Cleary & Noy, 2014). Các cách tiếp cận với thị trường lao động của các cơ sở giáo dục đại học sẽ hết sức đa dạng, phụ thuộc vào mức độ đáp ứng giữa các chương trình và dịch vụ giáo dục của từng cơ sở so với nhu cầu của các nhà tuyển dụng.

Các dữ liệu được công bố công khai bao gồm dữ liệu của Sở Lao động Hoa Kỳ, các dữ liệu về xu hướng của thị trường lao động từ các Sở lao động, dữ liệu về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp từ Sở Giáo dục của các bang. Bên cạnh đó, nhiều trường cao đẳng cộng đồng cũng mua lại nguồn dữ liệu được gọi là “dữ liệu nghề nghiệp thực tế” (real-time jobs data) của một số công ty được thu thập bằng cách phân tích các tin đăng tuyển công việc trực tuyến được cập nhật để xây dựng các chương trình đào tạo nghề nghiệp tương thích với nhu cầu tuyển dụng. Ngoài ra, các khảo sát nhà tyển dụng và việc tham gia trực tiếp với các nhà tuyển dụng để thu thập thông tin về các nhu cầu vị trí việc làm và kỹ năng trong các thị trường lao động mục tiêu cũng là các hình thức để các cơ sở giáo dục đại học có thể thu thập thông tin về thị trường lao động. Cùng với các nguồn thông tin này, các khảo sát đối với nhà tuyển dụng được thực hiện trên phạm vi vùng hoặc bang cũng là các cách thức phổ biến để thu thập thông tin về nhu cầu của thị trường lao động đối với các chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, theo Cleary & Noy (2014), chưa có minh chứng nào cho thấy là nguồn dữ liệu nào có thể cung cấp các thông tin có giá trị cho các cơ sở giáo dục đại học về nhu cầu việc làm và kỹ năng. Bên cạnh hoạt động thu thập thông tin về các nhu cầu kỹ năng và tuyển dụng của thị trường lao động, hoạt động hợp nhất các dữ liệu thu thập được vào trong các chương trình chính khóa và chương trình ngoại khóa và liên kết, tổ chức lại các nội dung chương trình cũng rất quan trọng trong việc điều chỉnh chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học sao cho đáp ứng được với các nhu cầu của thị trường lao động. Mỗi loại hình cơ sở giáo dục đại học ở Hoa Kỳ như được phân tích ở phần dưới đây có các hoạt động đặc trưng để thể hiện sự đáp ứng với các nhu cầu của thị trường lao động dựa trên đặc điểm riêng của mỗi loại hình.

2.1 Các trường cao đẳng cộng đồng

Hệ thống các trường cao đẳng cộng đồng được xem là các cơ sở giáo dục đóng vai trò tiên phong trong việc tìm kiếm các cách thức để đáp ứng được với các nhu cầu của thị trường lao động ở Hoa Kỳ. Các cơ sở công lập đào tạo 2 năm hoặc các trường cao đẳng cộng đồng chuyên cấp bằng trong các lĩnh vực nghề, chuẩn bị cho sinh viên chuyển tiếp lên các trường đào tạo 4 năm.

Theo nghiên cứu của học viện Aspen (2012), các thông tin về việc làm sinh viên tốt nghiệp trong các chương trình giáo dục nghề nghiệp và kỹ thuật cũng thường xuyên được thu thập để báo cáo cho các cơ quan quản lý cấp bang và liên bang được các trường thực hiện từ rất nhiều năm trước cho đến thời điểm năm 2012.

Các trường cao đẳng cộng đồng ở Hoa Kỳ có thể sử dụng dữ liệu từ việc thu thập thông tin phản hồi từ rất nhiều đối tượng khác nhau như: nhà tuyển dụng, sinh viên tốt nghiệp, các hội đồng tư vấn nghề nghiệp và các dữ liệu từ Sở Lao động của các bang; và các nguồn dữ liệu về nhu cầu tuyển dụng việc làm thực tế của các tổ chức bên ngoài để có thể thu thập thông tin về tình hình của sinh viên tốt nghiệp và việc làm; nhu cầu của các nhà tuyển dụng địa phương và vùng. Các trường cũng sử dụng các nguồn dữ liệu này để có thể đưa ra các điều chỉnh, bổ sung các nội dung trong chương trình đào tạo hiện có hoặc có thể là để ngưng đào tạo các chương trình mà không đáp ứng được với nhu cầu của nhà tuyển dụng hay có tỷ lệ việc làm dành cho sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình này đang giảm xuống. Vì mục tiêu và sứ mệnh chính của các trường cao đẳng cộng đồng ở Hoa Kỳ là đào tạo được đội ngũ lao động kỹ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động ở địa phương và trong khu vực (bang) nên việc thu thập ý kiến phản hồi của các bên liên quan như nhà tuyển dụng chủ yếu cũng là các nhà tuyển dụng ở địa phương và trong vùng (Aspen Institute, 2012). Việc thu thập ý kiến phản hồi của các bên liên quan về sinh viên tốt nghiệp từ các trường xuất phát từ chính nhu cầu của các trường trong việc điều chỉnh lại chương trình đào tạo định kỳ hoặc xuất phát từ một nguyên nhân bên ngoài như tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm giảm, hoặc yêu cầu của chính quyền các bang trong việc báo cáo về các số liệu liên quan đến sinh viên tốt nghiệp.

2.2 Các trường đại học công hệ 4 năm

Các cơ sở đào tạo đại học 4 năm bao gồm các trường đại học vùng (regional university) tập trung vào đào tạo các sinh viên tốt nghiệp để chuẩn bị làm việc trong các lĩnh vực chuyên môn cụ thể và các trường đại học nghiên cứu (research university) cung cấp các chương trình đào tạo chuyên sâu.

Các trường đại học công có xu hướng mở rộng các chương trình học không phải là ưu tiên cao của các bang và có sự gia tăng gấp đôi của các chương trình đào tạo nhằm thu hút nhiều sinh viên vào học thay vì chỉ hướng đến việc đào tạo các sinh viên theo nhu cầu ngành nghề của từng bang trong điều kiện ngân sách tài trợ của bang cho các trường đang ngày một giảm (Kottmann & Weert, 2013). Theo Kottmann & Weert (2013), việc ngày càng thắt chặt ngân sách của các bang dành cho các trường đại học công dẫn đến việc các trường đang gia tăng quá trình tư nhân hóa thông qua việc thu học phí cao và tăng các nguồn kinh phí tài trợ từ khu vực tư nhân.

Trường đại học Stephen F. Austin State là một trường đại học công lập được đặt tại bang Texas, Hoa Kỳ là một trường đại học công lập đã có lịch sử phát triển gần 100 năm. Trong quá trình tạo sự kết nối chặt chẽ giữa chương trình đào tạo của trường mà cụ thể là chương trình đào tạo cử nhân lâm nghiệp với thị trường lao động, trường đã thực hiện một nghiên cứu trong vòng 2 năm trị giá khoảng 50.000 đô la Mỹ để đánh giá lại các kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết của một nhân viên lâm nghiệp (Bullard, Williams, Coble, Coble, Darville & Rogers, 2014). Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát bằng phiếu hỏi đến 800 nhà tuyển dụng và cựu sinh viên của trường và 15 cuộc phỏng vấn nhóm với 58 nhà tuyển dụng và cựu sinh viên. Các kết quả của nghiên cứu được sử dụng để cải tiến chương trình đào tạo cử nhân lâm nghiệp tại trường nhằm giúp trường có được các sản phẩm đầu ra đáp ứng và sẵn sàng làm việc được ngay theo nhu cầu của nhà tuyển dụng. Bảng khảo sát được thiết kế để đánh giá 48 tiêu chí cụ thể đối với một cử nhân lâm nghiệp và các tiêu chí này được đưa ra dựa trên chương trình đào tạo hiện có của trường và các tiêu chí của các tổ chức nghề nghiệp như: Hiệp hội Quốc gia về các Chương trình Đại học về Nguồn lực Lâm nghiệp (National Association of University Forest Resources Programs - NAUFRP); Hiệp hội các nhà Lâm nghiệp Hoa Kỳ (Society of American Foresters -SAF); hay một số trường đại học cũng đào tạo về ngành học này như Pinchot Institute hay Institute of Museum and Library Services.

Các kỹ năng được xếp vào 3 lĩnh vực chính bao gồm: năng lực chuyên môn (quản lý các nguồn lực lâm nghiệp); năng lực chung (áp dụng hợp lý và tư duy tích cực; giao tiếp và cộng tác; lãnh đạo và quản lý nhân sự;…); và năng lực cá nhân (quản lý bản thân).

Việc đánh giá về chương trình đào tạo thông qua việc lấy ý kiến phản hồi về sinh viên tốt nghiệp từ các sinh viên tốt nghiệp và nhà tuyển dụng ở trường đại học Stephen F. Austin State cho thấy trường đã thực hiện việc đánh giá dựa trên nhu cầu của chính nhà trường trong việc cải tiến chương trình đào tạo theo hướng phù hợp với sự phát triển mới trong lĩnh vực lâm nghiệp của thế giới cũng như Hoa Kỳ. Các nội dung đánh giá được xây dựng trên nội dung chương trình hiện tại của trường, các tiêu chí của các tổ chức và hiệp hội nghề lâm nghiệp Hoa Kỳ cũng như nội dung chương trình đào tạo của một số trường đại học có ngành đào tạo tương tự ở Hoa Kỳ (Bullard & các cộng sự, 2014). Có 3 nội dung về năng lực được chú trọng trong quá trình đánh giá chương trình đào tạo đó là: năng lực chuyên môn, năng lực cá nhân và năng lực chung. Kết quả đánh giá cũng cho thấy, các năng lực chung và năng lực cá nhân được đánh giá là cần phải mở rộng và tích hợp nhiều hơn trong chương trình đào tạo cử nhân lâm nghiệp của trường. Kết luận này cũng tương tự với kết luận được đưa ra bởi nhóm nghiên cứu về giáo dục đại học và thị trường lao động ở 7 nước châu Âu và Hoa Kỳ khi cho rằng: đối với hầu hết các nhà tuyển dụng, nguồn nhân lực có năng lực đồng nghĩa với việc có các năng lực chung mà các năng lực này được đánh giá còn quan trọng hơn cả các năng lực cụ thể có thể được đào tạo trong môi trường làm việc (Kottmann & Weert, 2013).

2.3 Các cơ sở giáo dục đại học phi lợi nhuận

Các cơ sở giáo dục đại học tư nhân phi lợi nhuận cũng gồm nhiều loại hình đa dạng như: các trường đại học đại cương 4 năm (four-year liberal arts colleges), một số ít các cơ sở đào tạo 2 năm, các trường liên quan đến tôn giáo và một số trường tập trung vào các lĩnh vực riêng lẻ như y tá hoặc nghệ thuật sáng tạo (fine arts). Các trường đại học đại cương 4 năm (liberal arts colleges) đào tạo hệ cử nhân ở các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học cơ bản và khoa học tự nhiên. Điểm đặc biệt của các chương trình đào tạo ở các trường đại học đại cương ở Hoa Kỳ đó là chương trình đào tạo tập trung vào sự phát triển của từng cá nhân sinh viên trong môi trường học thuật chuyên môn. Chính vì vậy, chỉ tiêu tuyển sinh và sĩ số lớp học trong các chương trình đào tạo này tương đối ít.  

Các khảo sát ý kiến của các đối tượng liên quan về sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình đào tạo các ngành đại cương về khoa học xã hội và nhân văn ở Hoa Kỳ có thể đến từ các tổ chức kiểm định, nghề nghiệp, các tổ chức chuyên về phân tích dữ liệu thị trường lao động tư nhân hoặc các trường đại học.

Hiệp hội các trường cao đẳng và đại học Hoa Kỳ (American Association for Universities and Colleges) là tổ chức quốc gia hàng đầu về chất lượng, có sứ mệnh giúp cho các cơ sở giáo dục đại học đại cương có thể duy trì và phát huy mục tiêu giáo dục đại cương và sự xuất sắc toàn diện. Năm 2013, Hiệp hội các trường cao đẳng và đại học ở Hoa Kỳ đã thực hiện khảo sát đối với các nhà tuyển dụng ở Hoa Kỳ và đã thu được kết quả cho thấy phần đông các nhà tuyển dụng (trên 90%) cho rằng: năng lực mà các ứng viên thể hiện thông qua khả năng tư duy tích cực, giao tiếp mạch lạc và giải quyết được các vấn đề phức tạp còn quan trọng hơn bằng cấp trong chuyên ngành tốt nghiệp của sinh viên (Hart Research Associates 2013). Trong khi đó, Arum và Roksa (2010, trích trong Humphreys & Kelly, 2014) cũng nhấn mạnh rằng các chuyên ngành về đại cương (liberal arts) có xu hướng tập trung hơn vào các kỹ năng linh động này của sinh viên so với các chuyên ngành đào tạo khác. Theo đó, sinh viên tốt nghiệp trong các chuyên ngành về đại cương sẽ chuẩn bị tốt hơn cho thành công của sinh viên trong các điều kiện làm việc không cố định (Humphreys & Kelly, 2014). Humphreys & Kelly (2014) và Burning Glass (2013) cũng cho rằng trong môi trường cạnh tranh như hiện nay, các công việc có thu nhập cao thường đòi hỏi ứng viên phải có cả kiến thức cụ thể trong một lĩnh vực và một loạt các kỹ năng chung rộng hơn liên quan đến nhiều lĩnh vực mà một số các kỹ năng này sinh viên có thể học được trong các chương trình đào tạo về đại cương

Một ví dụ về nghiên cứu được tiến hành bởi trường đại học về khảo sát ý kiến của các bên liên quan về chương trình đào tạo của trường theo hướng đáp ứng với các nhu cầu của thị trường lao động là nghiên cứu của trường đại học Drexel, một trường đại học tư phi lợi nhuận được đặt tại Philadelphia, thuộc bang Philadelphia, Hoa Kỳ. Tại trường Drexel, một trong những hoạt động nhằm kết nối chặt chẽ giữa các chương trình đào tạo của trường với thị trường lao động được thực hiện thông qua việc thu thập ý kiến phản hồi của nhà tuyển dụng về sinh viên của trường trong thời gian thực tập tại các doanh nghiệp vào cuối mỗi kỳ học 6 tháng (Hart Research Associates, 2010). Việc thu thập thông tin này được thực hiện bởi Trung tâm Việc làm Steinbright (Steinbright Career Development Center) của trường. Hàng năm, trung tâm này sẽ làm việc với khoảng hơn 5000 sinh viên để đánh giá chương trình thực tập 6 tháng của sinh viên (Hart Research Associates, 2010). Các dữ liệu đánh giá thu thập được phục vụ cho việc đánh giá sinh viên, cải tiến chất lượng các chương trình đào tạo của trường cũng như hoạt động kiểm định chương trình và kiểm định trường. Đặc biệt, các dữ liệu này cung cấp cho các trưởng khoa trong trường về thành tích của các sinh viên đã đạt được tại các đơn vị bên ngoài. Các nội dung quan trọng được nhấn mạnh trong đánh giá về thành tích của sinh viên đã đạt được trong thời gian thực tập tại các doanh nghiệp bao gồm: khả năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo và chuyên môn.

Ngoài ra, nghiên cứu của Toothacre, Jang, Adams & Klopsch (2014, trích trong CLASIC, 2014) cũng được thực hiện liên quan đến sinh viên tốt nghiệp và thị trường lao động trong các chương trình đào tạo đại cương (liberal arts) nhưng mục tiêu chính của nghiên cứu này lại tập trung vào việc khảo sát ý kiến của sinh viên và nhà tuyển dụng về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp để từ đó, đề xuất các mô hình tư vấn nghề nghiệp trong các trường đại học đại cương. Báo cáo nghiên cứu của Toothacre & cộng sự (2014, trích trong CLASIC, 2014) được rút ra từ kết quả thảo luận của hội đồng có tên là CLASIC (The Consortium of Liberal Arts Schools and Independent Colleges) gồm đại diện đến từ các trường đại học có các chương trình đào tạo đại cương gồm: trường đại học Azusa Pacific, đại học Biola, đại học Harvey Mudd, đại học Pepperdine và đại học Scripps College, Hoa Kỳ. Hội đồng này được thành lập vào năm học 2013 để đánh giá các kết quả đầu ra về việc làm có ảnh hưởng hoặc định hướng cho các giá trị của các cơ sở giáo dục có chương trình đào tạo đại cương (Toothacre & cộng sự, 2014, trích trong CLASIC, 2014). Nội dung chính của hội đồng CLASIC xoay quanh câu hỏi các mô hình chuẩn bị cho nghề nghiệp nào nên được áp dụng cho các trường đại học đại cương trong giai đoạn hiện tại và các kết quả đánh giá đầu ra của sinh viên sẽ hỗ trợ như thế nào cho các mô hình này. CLASIC (2014) cũng cho rằng các trung tâm nghề nghiệp trong các trường đại học đại cương phải có các mục tiêu tương thích chặt chẽ với sứ mạng của các trường để có thể giúp cung cấp, trang bị cho sinh viên các kỹ năng cần thiết khi tốt nghiệp.

Các dịch vụ hỗ trợ nghề nghiệp tại các trường theo hội đồng CLASIC là cần phải giúp cho việc cung cấp các cơ hội phát triển chuyên môn nghề nghiệp cho sinh viên, khuyến khích và trang bị cho sinh viên các mạng lưới và tư vấn về nghề nghiệp, các thông tin về hội chợ việc làm và, các nguồn tài liệu trực tuyến và trên thư viện và các hoạt động tuyển dụng tại các cơ sở của trường (Toothacre & cộng sự, 2014, trích trong CLASIC, 2014). Theo đó, CLASIC (2014) đưa ra mô hình chuẩn bị nghề nghiệp phải bao gồm hai nhóm trong đó nhóm thứ nhất tập trung vào các hoạt động tư vấn nghề nghiệp và nhóm thứ hai tập trung đến các thông tin tuyển dụng và các mối quan hệ với các doanh nghiệp. Nhóm nghiên cứu cũng dẫn chứng ra một số mô hình trung tâm nghề nghiệp của một số trường đại học đại cương đã được thay đổi theo xu hướng tập trung vào 2 nhóm nội dung công việc như vừa phân tích. Các mô hình trung tâm nghề nghiệp mà CLASIC đưa ra được xem như các mô hình thành công điển hình của các trường đại học đại cương trong việc hỗ trợ cho sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình đào tạo tại các trường có thể kết nối hiệu quả với thị trường lao động. 

Chẳng hạn như, mô hình trung tâm nghề nghiệp mới mà trường đại học Stanford đưa ra theo hướng phân chia các bộ phận nghề nghiệp theo các loại hình bằng cấp cụ thể và các bộ phần này thường tập trung vào hai lĩnh vực chính là: hướng dẫn/xây dựng mạng lưới nghề nghiệp và các dịch vụ tuyển dụng.

Một số trường đại học khác lại tập trung vào cấu trúc và thay đổi lại các dịch vụ nghề nghiệp của mình theo các cách sáng tạo khác. Ví dụ như trường đại học Woodbury thuê hẳn một kiến trúc sư như một chuyên gia trong ngành kiến thức làm việc cùng với giảng viên ở trong khoa để tư vấn tại chỗ cho sinh viên (Toothacre & cộng sự, 2014, trích trong CLASIC, 2014). Hay như trường đại học Clark đã thực hiện sáng kiến để liên kết giữa các chương trình chính khóa và chương trình ngoại khóa của trường để có thể trang bị cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng cần thiết nhất mà thị trường lao động đang cần (Toothacre & cộng sự, 2014, trích trong CLASIC, 2014). Trường đại học Messiah có một cách tiếp cận khác khi đưa ra các khóa học bắt buộc về phát triển nghề nghiệp đối với sinh viên trong đó yêu cầu sinh viên phải chia sẻ các kế hoạch liên quan đến từng chuyên ngành cụ thể với giảng viên trong khoa. Một xu hướng mới khác nữa cũng được hội đồng CLASIC cung cấp đó là xu hướng kết hợp giữa các dịch vụ nghề nghiệp và dịch vụ tư vấn học thuật. Xu hướng này cũng đã được một số trường đại học như Marymount, trường đại học bang Washington thực hiện nhằm tối đa hóa vai trò của đội ngũ giảng viên và nhân viên trong việc tư vấn học thuật và nghề nghiệp cho sinh viên (Toothacre & cộng sự, 2014, trích trong CLASIC, 2014). 

Thông qua các cách mô hình sáng kiến mới về các trung tâm nghề nghiệp như đã được nhóm nghiên cứu của (Toothacre & cộng sự, 2014, trích trong CLASIC, 2014) đưa ra có thể thấy, nhiều trường đại học đại cương đang ngày càng nỗ lực trong việc đưa ra các dịch vụ tư vấn và phát triển nghề nghiệp để có thể giúp sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình này có thể có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng quan trọng, đáp ứng phù hợp với các nhu cầu hiện có của thị trường lao động.

2.4 Các cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận

Các cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận được biết đến như các cơ sở giáo dục độc quyền, cung ứng rất nhiều loại chương trình đào tạo khác nhau từ chương trình đào tạo tiến sỹ cho đến các chương trình lấy chứng chỉ 1 năm hoặc trong thời gian ngắn hơn (Deming, Goldin & Katz, 2013). Tuy nhiên, thị trường rộng lớn nhất của các cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận chính là thị trường đào tạo các chương trình ngắn hạn và các chương trình đào tạo 2 năm (Deming & cộng sự, 2013; Gilpina, Saundersb & Stoddarda, 2015). Cụ thể là, 75% các bằng cấp và chứng chỉ được cung cấp bởi các cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận là từ các chương trình đào tạo lấy chứng chỉ ít hơn 2 năm, chương trình lấy bằng trong 2 năm.

Kết quả khảo sát của một nhóm nghiên cứu về khả năng đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động của các cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận vào năm 2015, các cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận cung ứng các chương trình đào tạo 2 năm đã phát triển rất nhanh chóng với số lượng sinh viên tuyển sinh tăng gấp 6 lần nhanh hơn so với các trường cao đẳng cộng đồng cũng đào tạo chương trình 2 năm (Deming, cộng sự, 2013). Ngoài ra, hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận đào tạo chương trình 2 năm chính là nơi cung cấp khoảng ¼ các bằng cấp về chương trình đào tạo 2 năm trên toàn Hoa Kỳ. Điều này có thể thấy, số lượng sinh viên đang theo học các chương trình 2 năm tại các cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận là rất lớn.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: làm thế nào các cơ sở này có thể thu hút được nhiều sinh viên vào học so với các cơ sở giáo dục đại học khác trong khi bằng cấp của sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình của các cơ sở này không được đánh giá cao như các cơ sở công lập (Gilpina & cộng sự, 2015). Deming & cộng sự (2013) cho rằng, một trong những nguyên nhân giúp các cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận thu hút được một lượng lớn sinh viên là do các sinh viên này không thể đăng ký được vào các chương trình ưa thích tại các cơ sở công lập. Bên cạnh đó, một nguyên nhân sâu xa khác đó là sự linh động của các cơ sở giáo dục đại học trong việc đáp ứng lại các nhu cầu của thị trường lao động đối với các công việc đang có nhu cầu cao và cần phải được đáp ứng ngay của thị trường (Deming & cộng sự, 2013). Cụ thể là, các cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận thường có khả năng mở các trường mới, thuê đội ngũ giảng viên và bổ sung chương trình đào tạo tương đối nhanh để có thể đào tạo ngay được các sinh viên trong các lĩnh vực nghề nghiệp đang phát triển nhanh như chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin.

Liên quan đến sự đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động của các cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận, Gilpina & cộng sự (2015) cũng đánh giá rằng: nếu so sánh với các trường cao đẳng cộng đồng cũng cung ứng các chương trình đào tạo 2 năm tương tự thì cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận cũng có sự đáp ứng nhanh hơn cũng như điều chỉnh chương trình đào tạo linh động hơn đối với các nhu cầu của thị trường lao động vì các cơ sở này chỉ có một số ít chương trình hơn so với các loại hình cơ sở giáo dục đại học khác nên việc thay đổi cũng dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, với việc nhận được nhiều sự tài trợ từ chính quyền bang và địa phương của các trường cao đẳng cộng đồng (khoảng 53%) so với các cơ sở giáo dục đại học công chỉ là 7% thì các trường cao đẳng cộng đồng cũng phải chịu nhiều sự quản lý hơn của các cấp chính quyền và theo đó, các quyết định điều chỉnh chương trình đào tạo cũng phải thông qua nhiều cấp quản lý hơn so với các cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận (Gilpina & cộng sự , 2015).

  1. Kết luận

Như vậy, có thể thấy rằng, vai trò chủ đạo và quản lý của các bang, thay vì chính phủ liên bang đối với các cơ sở giáo dục là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa thị trường lao động và giáo dục đại học. Ngoài ra, sự điều tiết và chi phối bởi thị trường cũng là triết lý cơ bản được nhấn mạnh đối với các cơ sở giáo dục đại học ở Hoa Kỳ. Do đó, dù đó là cơ sở giáo dục đại học công lập như các trường cao đẳng cộng đồng hay các trường đại học công; hay các cơ sở giáo dục tư thục vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận thì vẫn phải không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo của mình theo sự vận hành của các thị trường lao động mục tiêu.

Điểm chung trong cách tiếp cận đối với việc đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động của các loại hình cơ sở giáo dục đại học đó là việc thực hiện các khảo sát về sự hài lòng của các khách hàng mục tiêu (nhà tuyển dụng và sinh viên tốt nghiệp). Tuy nhiên, điểm khác biệt trong cách tiếp cận của từng loại hình cơ sở giáo dục đại học đối với vấn đề này đó là bởi vì mỗi loại hình cơ sở giáo dục đại học có các đối tượng khách hàng mục tiêu khác nhau nên có nhiều cách tiếp cận khác nhau được đưa ra để phù hợp với từng đối tượng khách hàng đặc trưng cho từng loại hình cơ sở giáo dục đại học.

Cụ thể, đối với các trường cao đẳng cộng đồng được xem là các cơ sở cung cấp chủ yếu nguồn lực lao động phục vụ cho chính các bang theo nhu cầu thực tế của các nhà tuyển dụng địa phương nên việc khảo sát, lấy ý kiến các nhà tuyển dụng trong vùng, địa phương để đánh giá nhu cầu của thị trường lao động là hết sức quan trọng. Đối với các trường đại học công, vốn có xu hướng thu hút thêm nhiều sinh viên từ các vùng hoặc quốc gia khác đến học trong các chương trình học mới thay vì chỉ tập trung vào đối tượng là sinh viên địa phương hoặc trong vùng trong các chương trình học nên các trường phải không ngừng nỗ lực trong việc khảo sát ý kiến của các nhà tuyển dụng trong và ngoài vùng/địa phương/quốc gia về sinh viên tốt nghiệp của trường, để từ đó đưa ra các cải tiến và điều chỉnh đối với chương trình đào tạo. Nội dung khảo sát của các trường cũng tập trung vào các loại năng lực và kỹ năng mà sinh viên tốt nghiệp cần đạt được dựa trên nội dung chương trình hiện có của trường, các yêu cầu đổi mới về ngành nghề được qui định trong các hiệp hội kiểm định và hiệp hội nghề nghiệp và nội dung của các chương trình tương tự ở các trường đại học khác. Tương tự, các khảo sát các đối tượng liên quan về sinh viên tốt nghiệp đối với các cơ sở giáo dục đại học tư thục vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận cũng được thực hiện bởi các trường, các tổ chức nghề nghiệp hoặc tổ chức khác bên ngoài nhằm giúp các trường điều chỉnh lại chương trình đào tạo của mình.

Ngoài ra, một vấn đề cũng hết sức quan trọng được thể hiện trong các nghiên cứu và khảo sát về sinh viên tốt nghiệp ở các loại hình cơ sở giáo đục đại học khác nhau đó là: các nhà tuyển dụng ngày càng chú trọng và đòi hỏi nhiều hơn ở các kỹ năng chung và kỹ năng cá nhân, cũng như kiến thức rộng ở nhiều lĩnh vực của sinh viên tốt nghiệp và theo đó cũng đòi hỏi các chương trình đào tạo của các cơ sở phải được điều chỉnh theo hướng tích hợp và cân bằng giữa năng lực chuyên môn, năng lực chung và năng lực cá nhân của sinh viên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bullard, S.H., Williams, P.S., Coble, T., Coble,D.W., Darville, R. & Rogers, L. (2014). Producing “Society-Ready” Foresters: A Research-Based Process to Revise the Bachelor of Science in Forestry Curriculum at Stephen F. Austin State University. Journal of Forestry.

Burning Glass. (2017, August 05). The Art of Employment: How Liberal Arts Graduates Can Improve Their Labor Market Prospects. Khai thác từ https://www.burning-glass.com/wp-content/uploads/BGTReportLiberalArts.pdf

CLASIC (2017, May 20). Outcomes of a Liberal Arts Education A response on career preparation from the Consortium of Liberal Arts Schools and Independent Colleges (CLASIC. Khai thác từ http://www.clasic.org/wp-content/uploads/2015/01/CLASIC-Outcomes-White-Paper.pdf.

Cleary, J. & Noy, M.V. (2016, February 01). Framework for Higher Education Labor Market Alignment: Lessons and Future Directions in the Development of Jobs-Driven Strategies.
Khai thác từ

http://www.heldrich.rutgers.edu/sites/default/files/products/uploads/Dimension_of_Labor_Market_Alignment.pdf.

Deming, D., Goldin, C. & Katz, L. (01/03/2016). For-Profit Colleges. Vol 23 (1). Khai thác từ http://scholar.harvard.edu/files/goldin/files/for-profit_colleges.pdf?m=1372340719.

Eckel, P.E. & King, J.E. (2007). An Overview Diversity, Access, United States of Higher Education in the American Council on Education. The Unifying Voice for Higher Education and the Role of the Marketplace, trong J. Forest and P. Altbach (Eds.). The International Handbook of Higher Education, Springer.

Gilpina, G.A., Saundersb, J. & Stoddarda, C. (01/03/2016). Why has for-profit colleges’ share of higher education expanded so rapidly? Estimating the responsiveness to labor market changes. Economics of Education Review. Khai thác từ :http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0272775714001150.

Hart Research Associates. (01/03/2016). Raising the Bar: Employers’ Views on College Learning in the Wake of the Economic Downturn.Washington, DC: Association of American Colleges and Universities. Khai thác từ: https://www.aacu.org/sites/default/files/files/LEAP/2009_EmployerSurvey.pdf

Humphreys, D. & Kelly, P. (01/03/2016). How Liberal Arts and Sciences Majors Fare in Employment a report on earnings and long-term career paths. Khai thác từ http://www.mass.edu/foradmin/trustees/documents/HowLiberalArtsandSciencesMajorFareinEmployment.pdf.

Kottmann, A., & de Weert, E. (2013). Higher education and the labour market: international policy frameworks for regulating graduate employability. Enschede: Center for Higher Education Policy Studies (CHEPS).

The Aspen Insitute. (2016, March 01). Using Labor Market Data to improve student success. Khai thác từ: https://www.aspeninstitute.org/publications/using-labor-market-data-improve-student-success/.

World Economic Forum. (2016, March 01). Matching Skills and Labour Market Needs Building. Khai thác từ http://www3.weforum.org/docs/GAC/2014/WEF_GAC_Employment_MatchingSkillsLabourMarket_Report_2014.pdf.

 

 

 

 

* Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.