Thực trạng điều kiện sống, học tập và mối liên hệ với mức độ phát triển trí nhớ của học sinh tiểu học vùng nông thôn đồng bằng sông cửu long-ThS. Nguyễn Thị Thu Ba, ThS. Nguyễn Thị Phú Quý, PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn

THỰC TRẠNG ĐIỀU KIỆN SỐNG, HỌC TẬP VÀ MỐI LIÊN HỆ VỚI MỨC ĐỘ PHÁT TRIỂN TRÍ NHỚ CỦA HỌC SINH TIỂU HỌC VÙNG NÔNG THÔN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

ThS. Nguyễn Thị Thu Ba, ThS. Nguyễn Thị Phú Quý, PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn[1]

 

Tóm tắt

Bài báo đề cập thực trạng điều kiện sống và học tập của học sinh tiểu học vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long. Dù đời sống vật chất còn nhiều khó khăn nhưng phụ huynh học sinh dành nhiều sự quan tâm đến việc học hành của con em. Bài viết cũng xác định được mối liên hệ giữa điều kiện sống và học tập với mức độ phát triển trí nhớ của học sinh tiểu học vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long.

Từ khóa: điều kiện sống, điều kiện học tập, học sinh tiểu học, phát triển trí nhớ.

Abstract

This paper presents the current status of the living and learning conditions of the primary students in rural areas in Mekong Delta. Although the students’ parents had many difficulties in their life, they spent their much concern on their children’s learning. The paper also identifies the relationship between the living and learning conditions and the level of the primary students’ memory development in the rural area in the Mekong Delta.

Keywords: living condition, learning condition, primary student, memory development.

  1. Đặt vấn đề

Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 29 - NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục có nêu rõ: “Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách”. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong các khu vực khó khăn của cả nước. Tuy được chính phủ quan tâm đầu tư phát triển, nhưng giáo dục vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn lạc hậu so với các địa phương khác.  

Để có một cơ sở thực tiễn bổ sung những cứ liệu về bộ phận dân số học đường tại một vùng có những đặc điểm đặc thù về đời sống kinh tế - xã hội, chúng tôi tiến hành nghiên cứu thực trạng điều kiện sống và học tập và mối liên hệ với mức độ phát triển trí nhớ của học sinh tiểu học vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nhiệm vụ mang tính cấp thiết và nhân văn từ góc nhìn giáo dục và phát triển.

  1. Kết quả nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng các trắc nghiệm sau để tìm hiểu sự phát triển trí nhớ của học sinh lớp 3 và lớp 5: Trắc nghiệm dung lượng trí nhớ số (Kpылов, 2003), Trắc nghiệm dung lượng trí nhớ từ (Рогов, 1998), Trắc nghiệm trí nhớ logic (Миронова 2006), và Trắc nghiệm trí nhớ làm việc (Истpaтовa 2006; Kapeлин , 2006).

Chúng tôi cũng tiến hành khảo sát cha mẹ học sinh khối lớp 3 và khối lớp 5 ở các trường tiểu học để tìm hiểu điều kiện sống và học tập của học sinh.

Địa bàn khảo sát: Trường Tiểu học Phú Tâm A, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng; Trường Tiểu học Thuận Hòa 4, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu; Trường Tiểu học Văn Giáo, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Với số lượng phiếu phát ra là 600 phiếu, thu về 470 phiếu với 232 phiếu của phụ huynh học sinh khối lớp 3 và 238 phiếu của phụ huynh học sinh khối lớp 5.

Công cụ khảo sát: công cụ khảo sát là bảng hỏi đóng gồm 19 câu hỏi, với 2 nội dung chính: điều kiện sống của gia đình như: trình độ văn hóa, nghề nghiệp của cha mẹ, điều kiện về nhà ở, diện hộ gia đình, mức thu nhập,... và điều kiện học tập: chỗ ngồi học bài - góc học tập cá nhân, sự quan tâm của cha mẹ đến việc học của con ở nhà và ở trường.

Phương pháp xử lý số liệu: sử dụng phần mềm SPSS, phiên bản 11.5 để phân tích tỉ lệ phần trăm của từng chỉ số và toàn câu hỏi, thực hiện các kiểm nghiệm T-Test, Anova.

2.1. Thực trạng về điều kiện sống và học tập

2.1.1. Thực trạng về điều kiện sống tại gia đình

Bảng 1: Thành phần dân tộc và nghề nghiệp của cha mẹ học sinh

Dân tộc

Tỉ lệ %

Nghề nghiệp

Tỉ lệ %

Kinh

30,8

Công chức - viên chức

5,1

Làm việc trong công ty nhà nước

2,4

Khmer

58,0

Làm việc trong công ty cổ phần

7,7

Làm việc trong công ty tư nhân

7,9

Hoa

11,2

Sản xuất, kinh doanh cá thể

4,2

Làm nông - lâm nghiệp

29,1

Tổng

100,0

Nuôi trồng - đánh bắt thủy sản

3,3

Lao động tự do

29,4

Khác

10,8

Tiến hành khảo sát ý kiến của 470 cha mẹ học sinh để điều tra thực trạng về điều kiện sống và học tập của học sinh khối lớp 3 và khối lớp 5 cho thấy đa phần cha mẹ học sinh là người dân tộc Khmer (chiếm 58%), dân tộc Kinh chiếm tỉ lệ 30,8% và cha mẹ học sinh là người dân tộc Hoa chiếm tỉ lệ thấp nhất (11,2%). Số liệu cũng cho thấy học sinh có cha mẹ là người dân tộc chiếm tỉ lệ rất cao (gần 70%). Điều này gây ít nhiều khó khăn trong hoạt động học tập của các em, đặc biệt là học sinh lớp nhỏ khi tiếng Việt là ngôn ngữ chính được sử dụng trong trường học.

Nghề nghiệp của cha mẹ học sinh tiểu học vùng đồng bằng sông Cửu Long của nhóm mẫu khá đa dạng. Trong đó, công chức- viên chức chiếm 5,1%, làm việc trong công ty nhà nước chiếm 2,4%, làm việc trong công ty cổ phần chiếm 7,7%, làm việc trong công ty tư nhân chiếm 7,9%, sản xuất kinh doanh cá thể chiếm 4,2%, làm nông - lâm nghiệp chiếm 29,1%, nuôi trồng đánh bắt thủy sản chiếm 3,3%, lao động tự do chiếm 29,4%, ngành nghề khác chiếm 10,8%. Vì sống ở vùng nông thôn nên công việc chủ yếu của phụ huynh là lao động chân tay. Do vậy tỉ lệ phụ huynh làm lao động tự do chiếm cao nhất (29,4%). Phụ huynh làm nông - lâm nghiệp cũng chiếm tỉ lệ tương đương (29,1%).

- Điều kiện nhà ở và mức thu nhập:

Bảng 2: Điều kiện nhà ở và mức thu nhập

Điều kiện nhà ở

Tỉ lệ %

Loại nhà

Tỉ lệ %

Mức thu nhập

Tỉ lệ %

Có nhà riêng

44,2

Biệt thự

1,6

Giàu

1,8

Nhà cấp 1

24,3

Khá dư

3,8

Ở chung với đại gia đình

50,2

Nhà cấp 2

10,6

Khá

12,8

Nhà cấp 3

32,8

Đủ sống

45,1

Ở nhà thuê

5,6

Nhà tranh

30,7

Cận nghèo

13,2

Tổng

100,0

Nghèo

23,3

Tổng

100,0

Tổng

100,0

Kết quả khảo sát về điều kiện nhà ở được trình bày trên bảng 2 phần nào phản ảnh được mức độ thiếu thốn về vật chất của học sinh tiểu học vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ có 44,2% gia đình học sinh có nhà riêng, còn lại phải ở chung với gia đình (50,2%) hoặc ở nhà thuê (5,6%). Loại hình nhà ở phổ biến mà học sinh tiểu học khu vực này đang sinh sống là nhà cấp 3 (32,8%). Đặc biệt loại hình nhà tranh chiếm tỉ lệ không hề nhỏ (30,7%).

Về mức thu nhập, đa phần gia đình của các em có mức thu nhập đủ sống (chiếm tỉ lệ 45,1%). Tỉ lệ gia đình thuộc diện hộ nghèo cũng chiếm tỉ lệ không hề nhỏ (23,3%). Chiếm tỉ lệ thấp nhất là gia đình thuộc diện hộ giàu (1,8%). Theo quyết định phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 trên phạm vi toàn quốc [1] thì tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo tương ứng là 8,23% và 5,41%. Như vậy nếu so sánh với tỉ lệ phạm vi toàn quốc thì tỉ lệ gia đình thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo được khảo sát cao hơn gần gấp 3 lần. Điều đó có thể thấy rằng điều kiện sống của học sinh khu vực nông thôn đồng bằng sông Cửu Long là hết sức khó khăn.

2.1.2. Thực trạng về điều kiện học tập

- Điều kiện chỗ ngồi học bài ở nhà của học sinh

Bảng 3: Điều kiện chỗ ngồi học bài ở nhà của học sinh

Điều kiện về chỗ ngồi học bài

Tỉ lệ %

Chỗ ngồi không có tiếng ồn

76,4

Chỗ ngồi học có tiếng ồn

23,6

Tổng

100,0

Kết quả nghiên cứu cho thấy cha mẹ học sinh có đầu tư cho việc học hành của con, bố trí cho con chỗ học bài ở nhà tốt. Có 76,4% phụ huynh cho rằng chỗ ngồi học bài của con không có tiếng ồn. Bên cạnh đó 23,6% phụ huynh đồng ý rằng chỗ ngồi học bài của con còn có tiếng ồn. Điều này cũng cho thấy tồn tại một bộ phận không nhỏ phụ huynh chưa tạo được môi trường học tập tốt nhất cho con để giúp con học tập một cách hiệu quả.

- Thời gian dành theo dõi việc học bài ở nhà của con ở cha mẹ:

Bảng 4: Phụ huynh theo dõi việc học bài ở nhà của con

Các mức độ

Tỉ lệ %

Có thời gian

42,8

Ít có thời gian

40,8

Không có thời gian

16,4

Tổng

100,0

Mặc dù đa phần cha mẹ học sinh tiểu học khu vực đồng bằng sông Cửu Long là lao động tự do, làm thuê hoặc nông nghiệp, thời gian giờ giấc làm việc không ổn định nhưng họ vẫn dành thời gian theo dõi việc học của con ở nhà. Có 42,8% phụ huynh cho rằng họ có thời gian theo dõi việc học của con tại nhà, chiếm tỉ lệ cao nhất, kế đến là 40,8% phụ huynh ít có thời gian quan tâm việc học của con ở nhà và 16,4% phụ huynh cho rằng họ quá bận không có thời gian để theo dõi việc học của con. Thực trạng trên đáng lo lắng nhưng có thể lý giải vì hoàn cảnh điều kiện kinh tế họ phải tập trung thời gian làm việc hoặc là họ chưa coi trọng việc học của con. Vấn đề này cần được cải thiện để đảm bảo sự đầu tư cho tương lai của con cái sao cho hiệu quả hơn trong thực tế giáo dục nói chung và giáo dục gia đình ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

- Mức biết tình hình học tập ở trường của con ở cha mẹ

Bảng 5: Mức độ biết của cha mẹ về tình hình học tập ở trường của con

Các mức độ

Tỉ lệ %

Biết đầy đủ

29,8

Biết khá đầy đủ

29,6

Biết ít

34,9

Không biết

5,7

Tổng

100,0

Số liệu cho thấy nếu cộng dồn tỉ lệ cha mẹ học sinh biết đầy đủ và khá đầy đủ tình hình học tập ở trường của con ở bảng 5 có được tỉ lệ với 59,4% cha mẹ học sinh biết đầy đủ và khá đầy đủ việc học của con. Kế đến là tỉ lệ cha mẹ học sinh biết ít (34,9%) và thấp nhất là tỉ lệ cha mẹ học sinh không biết về tình hình học tập ở trường của con (5,7%). Có dấu hiệu khá khả quan khi hơn một nữa phụ huynh được khảo sát có quan tâm và biết được khá rõ tình hình học tập ở trường của con. Tỉ lệ cha mẹ học sinh biết ít cũng thể hiện sự có quan tâm của họ đến việc học của con. Như vậy vấn đề đặt ra là cha mẹ học sinh có quan tâm đến việc học ở trường của con nhưng vì sao hiểu biết của họ về tình hình học tập của con chưa được nhiều? Có phải sự phối hợp, mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình mà cụ thể là giữa giáo viên và phụ huynh cần được lưu tâm hơn trong vấn đề này? Cha mẹ học sinh cần có nhiều thông tin về việc học của con, về các hoạt động diễn ra trong lớp học, cách giáo dục của nhà trường để có sự nhắc nhở, đôn đốc, giám sát nhằm tạo điều kiện để hoạt động dạy học và giáo dục của nhà trường đạt được hiệu quả cao nhất. 

- Sự giúp đỡ của cha mẹ để con hiểu những nội dung khó trong bài:

Bảng 6: Cha mẹ giúp con hiểu những nội dung khó trong bài

Mức độ thường xuyên

Tỉ lệ %

Hay giúp

32,5

Thỉnh thoảng có giúp

49,4

Không bao giờ giúp

18,1

Tổng

100,0

Quan sát bảng 6, nổi trội là tỉ lệ cha mẹ học sinh thỉnh thoảng giúp con hiểu những nội dung khó trong bài với 49,4%, kế đến là tỉ lệ phụ huynh hay giúp với 32,5% và cuối cùng là phụ huynh không bao giờ giúp con hiểu những nội dung khó trong bài với tỉ lệ 18,1%. So sánh số liệu ở bảng 6 và bảng 4 cho thấy có sự tương đồng về kết quả khảo sát. Tỉ lệ cha mẹ học sinh dành thời gian theo dõi việc học bài ở nhà của con (83,6%) tương đồng với tỉ lệ phụ huynh có giúp con hiểu những nội dung khó trong bài (81,9%) và tỉ lệ phụ huynh không có thời gian theo dõi việc học ở nhà của con khá xấp xỉ với tỉ lệ phụ huynh không bao giờ giúp con hiểu những nội dung khó trong bài (16,3% và 18,1% ). Sự tương đồng này phản ánh độ tin cậy về sự trung thực và nghiêm túc của phụ huynh khi tham gia khảo sát từ kết quả của đề tài nghiên cứu.

Để tìm câu trả lời cho tỉ lệ gần 1/5 cha mẹ học sinh không bao giờ giúp con hiểu những nội dung khó trong bài, nhóm nghiên cứu tiến hành tìm hiểu chi tiết hơn về trình độ văn hóa và bằng cấp của cha mẹ học sinh qua bảng số liệu sau:

Bảng 7: Trình độ của cha mẹ học sinh

Trình độ của cha mẹ học sinh

Tỉ lệ %

Trình độ văn hóa

Chưa tốt nghiệp THPT

79,5

Đã tốt nghiệp THPT

20,5

Tổng

100,0

Bằng cấp

Trung cấp

17,3

Đại học  - Cao đẳng

8,4

Trên đại học

1,4

Khác

72,9

Tổng

100,0

Số liệu cho thấy đa số cha mẹ học sinh được khảo sát là chưa tốt nghiệp THPT (tỉ lệ 79,5%) và tương ứng với tỉ lệ này là hơn 2/3 cha mẹ không có trình độ trung cấp, đại học -cao đẳng hay trên đại học (72,9%). Như vậy trình độ thấp có thể là một nguyên nhân làm cho cha mẹ học sinh chưa thể hay không thể giúp con hiểu những nội dung khó trong bài. Dĩ nhiên, đây cũng chỉ là một trong những nguyên nhân để lý giải.

2.2. Mối liên hệ giữa điều kiện sống và điều kiện học tập với sự phát triển trí nhớ của học sinh tiểu học vùng đồng bằng sông Cửu Long

Tiến hành so sánh để tìm mối liên hệ giữa điều kiện sống và điều kiện học tập đối với các loại trí nhớ của học sinh tiểu học (trí nhớ làm việc, trí nhớ số, trí nhớ từ, trí nhớ logic và trí nhớ máy móc). Kết quả kiểm nghiệm T-Test và Anova với α= 0,05 cho thấy, chỉ có các trường hợp sau đây là có sự khác biệt ý nghĩa:

2.2.1. Đối với học sinh lớp 3

  1. a) Mối liên hệ giữa điều kiện sống với sự phát triển trí nhớ

Kết quả các kiểm nghiệm thống kê cho thấy có sự khác biệt ý nghĩa giữa sự phát triển trí nhớ của các em học sinh lớp 3 với các điều kiện sống về nhà ở và mức sống gia đình:

-  Điều kiện về nhà ở:

Bảng 8: Mối liên hệ giữa điều kiện nhà ở với sự phát triển trí nhớ của học sinh lớp 3

Trí nhớ từ loạt 2

F=4,021

Sig=0,019

(I) Điều kiện nhà ở

(J) Điều kiện nhà ở

Khác biệt trung bình (I-J)

Giá trị

sig

Có nhà riêng

Ở chung với gia đình

0,47(*)

0,014

 

Ở nhà thuê

0,24

0,695

Quan sát bảng 8 chỉ có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về trí nhớ từ loạt 2 (sig = 0,019) giữa các nhóm học sinh lớp 3 có điều kiện nhà ở khác nhau. Trong đó học sinh mà cha mẹ có nhà riêng có điểm trung bình phát triển trí nhớ cao hơn so với học sinh ở nhà thuê. Như vậy, điều kiện nhà ở có ảnh hưởng nhất định đến mức độ phát triển trí nhớ của học sinh.

  • Điều kiện về mức sống của gia đình:

Bảng 9: Mối liên hệ giữa điều kiện về mức sống của gia đình đối với sự phát triển trí nhớ của học sinh lớp 3

Các loại trí nhớ

(I) Gia đình thuộc diện hộ

(J) Gia đình thuộc diện hộ

Khác biệt trung bình (I-J)

Giá trị

sig

Trí nhớ làm việc loạt 1

F= 2,963

Sig= 0,013

Khá dư

 

Khá

-1,83(*)

0,030

Đủ sống

-1,66(*)

0,036

Trí nhớ làm việc loạt 2

F= 2,520

Sig= 0,031

Khá dư

Khá

-2,04(*)

0,026

Trí nhớ từ loạt 1

F= 6,422

Sig= 0,000

Khá

Cận nghèo

1,05(*)

0,010

Nghèo

1,20(*)

0,001

Đủ sống

Cận nghèo

0,74(*)

0,013

Nghèo

0,90(*)

0,000

Trí nhớ từ loạt 2

F= 3,684

Sig= 0,003

Khá

Cận nghèo

0,89(*)

0,040

Nghèo

0,89(*)

0,026

Trí nhớ logic

F= 4,627

Sig= 0,000

Khá

Cận nghèo

1,62(*)

0,003

Nghèo

1,72(*)

0,001

Trí nhớ máy móc

F= 3,967

Sig= 0,002

Đủ sống

Nghèo

0,89(*)

0,020

Số liệu ở bảng 9 cho thấy điều kiện về mức sống của gia đình có ảnh hưởng đến điểm trung bình của các loại trí nhớ: trí nhớ làm việc (loạt 1, loạt 2), trí nhớ từ (loạt 1, loạt 2), trí nhớ logic và trí nhớ máy móc của học sinh vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, đa số học sinh ở gia đình thuộc diện có mức sống cao (khá, khá dư, đủ sống) có điểm trung bình cao hơn so với học sinh thuộc hộ gia đình có mức sống thấp (nghèo và cận nghèo). Riêng đối với trí nhớ từ loạt 1, học sinh có gia đình thuộc diện hộ đủ sống có điểm trung bình cao hơn so với học sinh có gia đình thuộc diện hộ khá dư.

  1. Mối liên hệ giữa điều kiện học tập với sự phát triển trí nhớ

Kết quả các kiểm nghiệm thống kê cho thấy có sự khác biệt ý nghĩa giữa sự phát triển trí nhớ của các em học sinh lớp 3 với các điều kiện học tập: sự quan tâm theo dõi của cha mẹ học sinh đối với việc học của con ở nhà và giúp con hiểu nội dung khó trong bài. Có thể xem xét cụ thể

  • Sự quan tâm theo dõi việc học của con ở nhà:

Bảng 10: Mối liên hệ giữa việc cha mẹ dành thời gian theo dõi việc học của con ở nhà với sự phát triển trí nhớ của học sinh lớp 3

Các loại trí nhớ

(I) Dành thời gian theo dõi việc học bài ở nhà của con

(J) Dành thời gian theo dõi việc học bài ở nhà của con

Khác biệt trung bình
 (I-J)

Giá trị

sig

Trí nhớ từ loạt 1

F= 12,137

Sig= 0,000

Có thời gian

Không có thời gian

1,05(*)

,000

Ít khi có thời gian

Không có thời gian

0,88(*)

,000

Trí nhớ từ loạt 2

F= 6,567

Sig= 0,002

Có thời gian

Không có thời gian

0,63(*)

,009

Ít có thời gian

Không có thời gian

0,78(*)

,001

Trí nhớ logic

F= 4,343

Sig= 0,014

Có thời gian

Không có thời gian

0,90(*)

,011

Trí nhớ máy móc

F= 4,919

Sig= 0,008

Có thời gian

Không có thời gian

0,93(*)

,006

Có sự khác biệt ý nghĩa ở các loại trí nhớ: trí nhớ từ (loạt 1 và loạt 2), trí nhớ logic và trí nhớ máy móc giữa các biến số: cha mẹ có thời gian, ít có thời gian và không có thời gian theo dõi việc học ở nhà của con từ số liệu ở bảng 10. Cụ thể, học sinh có cha mẹ có thời gian và ít có thời gian theo dõi việc học ở nhà của con có điểm trung bình phát triển trí nhớ cao hơn so với học sinh có cha mẹ không có thời gian theo dõi việc học ở nhà của con. Như vậy có thể thấy rằng có mối liên hệ giữa sự quan tâm của cha mẹ đến việc học ở nhà của con đối với các chỉ số phát triển trí nhớ của học sinh lớp 3. Hay nói cách khác, cha mẹ càng dành nhiều thời gian cho việc học ở nhà của con thì chỉ số phát triển trí nhớ của con càng cao.

- Cha mẹ giúp con hiểu nội dung khó trong bài:

Bảng 11: Mối liên hệ giữa việc cha mẹ giúp con hiểu nội dung khó trong bài với sự phát triển trí nhớ của học sinh lớp 3

Các loại trí nhớ

(I) Giúp con hiểu nội dung khó trong bài

(J) Giúp con hiểu nội dung khó trong bài

Khác biệt trung bình  (I-J)

Giá trị

sig

Nhớ từ loạt 1

F= 17,398

Sig= 0,000

Hay giúp

Không bao giờ giúp

1,20(*)

0,000

Thỉnh thoảng có giúp

Không bao giờ giúp

,95(*)

0,000

Nhớ từ loạt 2

F= 9,966

Sig= 0,000

Hay giúp

Không bao giờ giúp

,89(*)

0,000

Thỉnh thoảng có giúp

Không bao giờ giúp

,71(*)

0,001

Trí nhớ logic

F= 6,370

Sig= 0,002

Hay giúp

Không bao giờ giúp

1,00(*)

0,003

Thỉnh thoảng có giúp

Không bao giờ giúp

,90(*)

0,006

Trí nhớ máy móc

F= 8,953

Sig= 0,000

Hay giúp

Không bao giờ giúp

1,13(*)

0,000

Thỉnh thoảng có giúp

Không bao giờ giúp

1,03(*)

0,001

            Tương tự với kết quả ở bảng 10, số liệu ở bảng 11 cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở 3 loại trí nhớ của học sinh lớp 3 giữa các biến thể hiện sự giúp đỡ của cha mẹ học sinh đối với việc học của con, đó là trí nhớ từ, trí nhớ logic và trí nhớ máy móc. Những học sinh có cha mẹ giúp giải thích cho các em hiểu những nội dung khó trong bài (thường xuyên hoặc thỉnh thoảng) có điểm trung bình trí nhớ cao hơn so với các bạn không được cha mẹ giúp. Điều này khẳng định một lần nữa sự quan tâm, dành thời gian của cha mẹ cho việc học của con cái ảnh hưởng đến kết quả học tập mà đặc biệt là sự phát triển tâm lý của các em.

2.2.2. Đối với học sinh lớp 5

  1. a) Mối liên hệ giữa điều kiện sống với chỉ số phát triển trí nhớ

Kết quả các kiểm nghiệm thống kê cho thấy chỉ có sự khác biệt ý nghĩa về sự phát triển trí nhớ của các em học sinh lớp 5 với các điều kiện sống về mức sống của gia đình.

Bảng 12: Mối liên hệ giữa điều kiện về mức sống với sự phát triển trí nhớ của học sinh lớp 5

Các loại trí nhớ

(I) Gia đình thuộc diện hộ

(J) Gia đình thuộc diện hộ

Khác biệt trung bình  (I-J)

Giá trị

sig

 Nhớ từ loạt 1

F = 3,238

Sig = 0,008

Khá dư

Khá

-1,83(*)

0,030

Đủ sống

-1,66(*)

0,036

 Nhớ từ loạt 2

F = 3,588

Sig = 0,004

Khá dư

Khá

-2,04(*)

0,026

Trí nhớ logic

F = 3,406

Sig = 0,006

Khá

Cận nghèo

1,62(*)

0,003

Nghèo

1,72(*)

0,001

Trí nhớ máy móc

F = 4,044

Sig = 0,002

Đủ sống

Nghèo

0,89(*)

0,020

Điều kiện về mức sống của gia đình cũng có ảnh hưởng đến các trí nhớ từ, nhớ logic và nhớ máy móc của học sinh lớp 5 vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả khảo sát ở bảng 12 cho thấy học sinh ở gia đình thuộc hộ khá và đủ sống có điểm trung bình trí nhớ từ cao hơn so với học sinh thuộc hộ có điều kiện khá dư. Học sinh thuộc hộ gia đình khá và đủ sống cũng có điểm trung bình trí nhớ logic và trí nhớ máy móc cao hơn so với học sinh thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo.

  1. Mối liên hệ giữa điều kiện học tập với chỉ số phát triển trí nhớ

Trong các điều kiện học tập thì các điều kiện về chỗ ngồi học bài, sự quan tâm của cha mẹ đến việc học ở nhà và giúp con hiểu nội dung khó có ảnh hưởng đến sự phát triển trí nhớ của học sinh lớp 5. Có thể phân tích cụ thể như sau:

  • Điều kiện về chỗ ngồi học bài ở nhà:

Bảng 13: Mối liên hệ giữa điều kiện về chỗ ngồi học bài với sự phát triển trí nhớ của học sinh lớp 5

Các loại trí nhớ

Giá trị sig

Điểm trung bình

Trí nhớ từ loạt 2

 

0,035

Chỗ ngồi học không có tiếng ồn

3,32

Chỗ ngồi học có tiếng ồn

2,92

Trí nhớ máy móc

 

0,007

Chỗ ngồi học không có tiếng ồn

3,13

Chỗ ngồi học có tiếng ồn

2,44

Kết quả bảng 13 ở cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa về trí nhớ từ loạt 2 và trí nhớ máy móc giữa các nhóm học sinh ngồi học ở vị trí có tiếng ồn và không có tiếng ồn. Nhóm học sinh có chỗ ngồi học không có tiếng ồn có điểm trung bình cao hơn so với học sinh có chỗ ngồi học có tiếng ồn. So sánh với học sinh lớp 3, học sinh ở lớp nhỏ không bị ảnh hưởng bởi điều kiện này. Như vậy, có thể do các nhiệm vụ học tập ngày càng nhiều và phức tạp hơn nên việc có một không gian học tập riêng tư và yên tĩnh đã trở nên quan trọng đối với các em.  

  • Sự quan tâm của cha mẹ đến việc học ở nhà của con:

Bảng 14: Mối liên hệ giữa việc cha mẹ dành thời gian theo dõi việc học của con ở nhà với sự phát triển trí nhớ của học sinh lớp 5

 

(I) Dành thời gian theo dõi việc học bài ở nhà của con

(J) Dành thời gian theo dõi việc học bài ở nhà của con

Khác biệt trung bình (I-J)

Giá trị Sig

Trí nhớ từ loạt 2

F= 1,505

Sig= 0,023

Ít khi có thời gian

Không có thời gian

0,65(*)

0,018

Quan sát ở bảng trên có thể thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về trí nhớ từ giữa các nhóm học sinh lớp 5 cha mẹ có dành thời gian theo dõi việc học ở nhà hay không. Kết quả chỉ ra rằng những học sinh có cha mẹ dành ít thời gian theo dõi việc học ở nhà có điểm trung bình trí nhớ từ cao hơn so với học sinh không được ba mẹ dành thời gian. Từ đó có thể thấy rằng sự quan tâm của cha mẹ đến việc học của con ở nhà cũng có tác động không nhỏ đến sự phát triển trí nhớ, đặc biệt là trí nhớ từ của các em.

  • Cha mẹ giúp con hiểu nội dung khó trong bài:

Bảng 15: Mối liên hệ giữa việc cha mẹ giúp con hiểu nội dung khó với sự phát triển trí nhớ của học sinh lớp 5

Các loại trí nhớ

 

(I) Giúp con hiểu nội dung khó trong bài

(J) Giúp con hiểu nội dung khó trong bài

Khác biệt trung bình (I-J)

Giá trị Sig

Dung lượng nhớ từ loạt 1

F= 2,955

Sig= 0,018

Hay giúp

Không bao giờ giúp

0,71(*)

0,015

Thỉnh thoảng có giúp

Không bao giờ giúp

0,58(*)

0,040

Trí nhớ logic

F= 5,523

Sig= 0,018

Hay giúp

Không bao giờ giúp

1,00(*)

0,003

Thỉnh thoảng có giúp

Không bao giờ giúp

0,80(*)

0,014

Trí nhớ máy móc

F= 8.808

Sig= 0,000

Hay giúp

Không bao giờ giúp

1,29(*)

0,000

Thỉnh thoảng có giúp

Không bao giờ giúp

1,13(*)

0,001

Dữ liệu ở bảng 15 cho thấy nhóm học sinh được cha mẹ thường xuyên hoặc thỉnh thoảng giúp hiểu nội dung khó trong bài có điểm trung bình các loại trí nhớ từ, trí nhớ logic và trí nhớ máy móc cao hơn so với nhóm học sinh có cha mẹ không bao giờ giúp đỡ. Kết quả này khẳng định một lần nữa vai trò quan trọng của sự quan tâm của ba mẹ đến sự phát triển tâm lý của học sinh tiểu học nói chung và đặc biệt là sự phát triển trí nhớ - một trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành công trong hoạt động học tập của các em.

  1. Kết luận

Qua khảo sát thực trạng về điều kiện sống và học tập của học sinh tiểu học vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

Mức sống của gia đình học sinh vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long còn rất khó khăn, tỉ lệ gia đình thuộc diện hộ nghèo còn rất cao so với tỉ lệ chung trong cả nước. Mặc dù đời sống vật chất còn rất khó khăn nhưng phụ huynh học sinh cũng đã dành nhiều sự quan tâm đến việc học hành của con em mình. Hơn 2/3 phụ huynh cho rằng chỗ ngồi học bài của con không có tiếng ồn. Đa phần phụ huynh học sinh tiểu học khu vực đồng bằng sông Cửu Long có dành thời gian theo dõi việc học của con ở nhà. Tuy là trình độ văn hóa không cao nhưng phụ huynh cố gắng giúp con khi gặp khó khăn trong việc giải quyết nội dung khó. Tuy nhiên với tỉ lệ gần 1/5 cha mẹ học sinh được khảo sát không có thời gian theo dõi việc học ở nhà của con và không giúp con hiểu được nội dung khó trong bài cũng là điều cần lưu tâm.

- Đối với học sinh lớp 3: Điều kiện về nhà ở và mức sống của gia đình có ảnh hưởng đến mức độ phát triển các chỉ số tâm lý trí nhớ từ của học sinh lớp 3. Học sinh có điều kiện nhà ở chật chội, đông người có sự phát triển trí nhớ thấp hơn học sinh mà gia đình có nhà riêng và học sinh thuộc gia đình ở diện hộ khá, khá dư và đủ sống có điểm trung bình cao hơn so với học sinh thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Về điều kiện học tập, sự quan tâm của cha mẹ đến việc học của con thể hiện qua việc dành thời gian cho việc học ở nhà của con và giúp con hiểu nội dung khó trong bài tạo nên sự khác biệt ở sự phát triển trí nhớ của học sinh lớp 3. Những học sinh được cha mẹ dành nhiều thời gian và có giúp giải thích cho các em hiểu nội dung khó trong bài có điểm trung bình cao hơn so với các nhóm học sinh còn lại.

- Đối với học sinh lớp 5: Điều kiện về nhà ở không có ảnh hưởng đến sự phát triển trí nhớ của học sinh lớp 5 nhưng điều kiện về mức sống của gia đình có ảnh hưởng đến các em. Những học sinh thuộc hộ gia đình khá và đủ sống có điểm trung bình cao hơn so với những học sinh thuộc hộ gia đình khá dư, nghèo và cận nghèo. Bên cạnh đó, vị trí ngồi học ở nhà cũng có ảnh hưởng đến sự phát triển trí nhớ của học sinh lớp 5. Các em có chỗ ngồi học ở nhà yên tĩnh có điểm trung bình cao hơn so với các em phải ngồi học bài ở chỗ ồn ào. Về điều kiện học tập thì kết quả khảo sát ở học sinh lớp 5 cũng tương tự với kết quả khảo sát ở học sinh lớp 3: những học sinh được cha mẹ dành thời gian theo dõi việc học ở nhà và giúp giải thích nội dung khó trong bài có điểm trung bình cao hơn so với học sinh không được cha mẹ dành thời gian và không bao giờ giúp hiểu nội dung khó trong bài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quyết định Số 945/QĐ-LĐTBXH về việc phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.
  2. Немов, Р.С.(2003). Психология, В трех книгах, Книга 1: общие основы психологии. Москва, Владос.
  1. Kapeлин, A.A. (2006). Большая энциклопедия психологгических тестов. Москва.
  2. Kpылов, A.A. (2003). Практикум по общей, экспериментальной и приклад ной  психологии. Москва, Питер.
  3. Миронова, Е.Е. (2006). Сборник психологических тестов (часть II), Пособие, Минск, Женский институт Энвила.
  4. Истpaтовa, O.Н. (2006). Сиходиагностика, Ростов н/Д, Феникс. Москва.
  5. Рогов, Е.И. (1998). Настольная книга практического психолога. Учебное пособие, В двух книгах, Книга 1, Москва, Владос.

 

 

[1] Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.