Chuyên đề “Cơ sở lý luận về năng lực dạy học tích hợp STREAM của giáo viên tiểu học”

Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu cấp Bộ năm 2019, Viện Nghiên cứu Giáo dục đã triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng chương trình bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp STREAM cho giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”. Ngày 05/03/2020, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục, đơn vị thực hiện đề tài đã có phần trình bày nội dung “Cơ sở lý luận về năng lực dạy học tích hợp STREAM của giáo viên tiểu học” trong buổi sinh hoạt chuyên đề. Mục tiêu của chuyên đề là đưa ra được khung lý thuyết, từ đó triển khai xây dựng các chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên tiểu học.

STREAM là giáo dục tích hợp liên môn từ 2 trong 7 lĩnh vực Khoa học (S), Công nghệ (T), Robotics (R), Kĩ thuật (E), Toán (M), Nghệ thuật (A) và Tiếng Anh (E). Mục tiêu của giáo dục STREAM phát triển khả năng tích hợp, các kĩ năng thế kỉ 21 và giúp định hướng nghề nghiệp. Từ đó, học sinh được phát triển một cách toàn diện hơn.

Nắm được tầm quan trọng của giáo dục STREAM, nhóm nghiên cứu giới thiệu những nhóm năng lực dạy học tích hợp STREAM mà giáo viên cần đạt được chẳng hạn như khả năng nhận thức về bản thân, khả năng đánh giá vấn đề, và các kỹ năng thực hành.

Cán bộ tham dự đã có những góp ý: nhóm nghiên cứu cần nhấn mạnh sự gắn kết giữa các nội dung môn học; đánh giá những nội dung các trường đã triển khai thực hiện, những nội dung nào mới cần bồi dưỡng cho giáo viên để dạy dạy học STREAM đạt được hiệu quả như mong đợi.

Buổi báo cáo chuyên đề góp phần giúp nhóm nghiên cứu định hướng và hoàn thiện khung nghiên cứu để thực hiện sản phẩm nghiên cứu hoàn chỉnh. Nhóm nghiên cứu hy vọng sản phẩm của đề tài có thể ứng dụng tốt ở các trường tiểu học.