Thực trạng quản lý và chăm sóc giáo dục trẻ tại các trường mầm non ở TPHCM - ThS.Nguyễn Văn Danh

TÓM TẮT

Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu về thực trạng quản lý việc chăm sóc và giáo dục trẻ tại các trường mầm non trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh từ quan điểm của cán bộ quản lý,  giáo viên và bảo mẫu. Các nội dung được khảo sát liên quan đến thực hiện mục tiêu quản lý giáo dục, lập kế hoạch hoạt động, tổ chức thực hiện, chỉ đạo thực hiện, kiểm tra giám sát và đánh giá việc thực hiện. Ngoài ra nghiên cứu cũng khảo sát thực trạng quản lý công tác bồi dưỡng chuyên môn và cơ sở vật chất tại các trường mầm non.

Từ khoá: công tác quản lý, chăm sóc và giáo dục trẻ, thành phố Hồ Chí Minh

ABSTRACT

The paper presents the findings of a project studying the status of managing child care and education at preschools in Ho Chi Minh City from the perspective of administrators, teachers and nannies. The surveyed aspects cover the achievement of educational management objectives, planning, conducting the plan, directing, and checking and evaluating the results. In addition, the study also surveys the status of managing the professional development for preschool teachers and facilities at preschools.

Key words: educational management, early childhood education and childcare, Ho Chi Minh city

1. Đặt vấn đề

Giáo dục mầm non là bậc học khó nhất về mặt khoa học giáo dục trong tất cả các bậc học (Phạm Minh Hạc, 2010). Đây là bậc học mà độ tuổi các cháu còn nhỏ, nhân cách, tâm hồn và thể chất của các cháu đang hình thành và phát triển (Cao Thị Thanh Tuyền, 2015).

Thực hiện đổi mới quản lý giáo dục, trong những năm gần đây, công tác quản lý các trường học nói chung và trường mầm non nói riêng đã có nhiều tiến bộ, như đổi mới phương thức quản lý, tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chăm sóc và giáo dục trẻ,… Tuy nhiên, công tác quản lý đối với trường mầm non vẫn còn nhiều bất cập. Báo cáo tổng kết việc thực hiện nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đã khẳng định: Năng lực điều hành quản lý trong các trường mầm non còn bất cập, thiếu tính chuyên nghiệp. Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Đối với thành phố Hồ Chí Minh, công tác quản lý ở các trường mầm non có nhiều tiến bộ, số trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục tăng đáng kể, nhiều trường mầm non công lập cũng như tư thục có chất lượng cao. Tuy nhiên, do dân số đông nhất cả nước, nhu cầu gửi trẻ ở các trường mầm non là rất lớn, nhất là các địa bàn đông dân cứ và các khu công nghiệp, vì vậy mà công tác quản lý việc chăm sóc và giáo dục trong các trường mầm non một số nơi vẫn còn nhiều bất cập, một số vụ bạo hành trẻ mầm non đã xảy ra gần đây đã gây bức xúc cho xã hội, phụ huynh không yên tâm khi gửi con em trong các trường mầm non chưa đảm bảo tốt việc chăm sóc và giáo dục trẻ.

Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu về thực trạng và từ đó đề xuất giải pháp quản lý chăm sóc và giáo dục trẻ trong các trường mầm non tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong giới hạn của bài viết này, nhóm nghiên cứu trình bày kết quả nghiên cứu về thực trạng quản lý việc chăm sóc và giáo dục trẻ tại các trường mầm non trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

2. Chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non

Chăm sóc trẻ mầm non là sự chào đón nhiệt tình, là những hành động cần thiết phải làm để thỏa mãn nhu cầu và mong đợi của trẻ được chăm sóc theo cách mà trẻ mong muốn (Cao Thị Thanh Tuyền, 2015). Chăm sóc trẻ mầm non được hiểu là tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, bảo vệ, chăm sóc (gọi chung là chăm sóc sức khỏe) cho trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi.

Giáo dục trẻ mầm non được hiểu là tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm giúp trẻ em lứa tuổi này phát triển toàn diện theo yêu cầu xã hội.

3. Quản lý chăm sóc trẻ và giáo dục trẻ mầm non

Công tác tổ chức thực hiện hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non đã được xác định là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng được thực hiện trên những nguyên tắc sau:

  • Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ căn cứ vào đặc điểm sức khoẻ, dinh dưỡng, tính cách của từng trẻ, từng nhóm, từng lứa tuổi.
  • Chế độ ăn chất lượng, phong phú, hợp lí kết hợp với việc tạo không khí bữa ăn vui vẻ, vệ sinh là điều kiện để mỗi trẻ khoẻ mạnh, khôn lớn.
  • Từ giấc ngủ, bữa ăn đến việc tổ chức hoạt động học tập, vui chơi của trẻ đều liên quan trực tiếp đến sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần của bé.
  • Theo dõi cân nặng, chiều cao, tình hình sức khoẻ của trẻ hàng tháng. Có kiểm tra đánh giá giữa tháng, lên phương án tác động hợp lí đối với trẻ cần chăm sóc đặc biệt (trẻ ốm, trẻ mới đi học, trẻ hấp thụ kém ... ) (Triệu Thị Hằng, 2016).

Quản lý giáo dục mầm non (GDMN) là một bộ phận của quản lý giáo dục, quản lý xã hội, cũng như quản lý giáo dục (QLGD) nói chung, quản lý con người là yếu tố trung tâm của công tác quản lý GDMN (QLGDMN). Trong trường mầm non giáo viên vừa là đối tượng quản lý đồng thời là chủ thể QLGD, lực lượng giáo viên phải thực sự làm chủ trong công tác quản lý nhà trường. Công tác QLGDMN cần phải có tính thống nhất. Giáo dục mầm non là khâu đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân nhưng vẫn mang tính tự nguyện không bắt buộc vì vậy để thu hút được nhiều trẻ em đến trường cần không ngừng nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục (CSGD) trẻ trong nhà trường (Triệu Thị Hằng, 2016).

Đối tượng của QLGDMN là toàn bộ quá trình giáo dục mầm non và hệ thống tổ chức để điều khiển chúng. Mục đích của quản lý GDMN là nhằm củng cố, ổn định và phát triển ngành GDMN với nhiều loại hình đa dạng, linh hoạt phù hợp với yêu cầu mới của sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Quản lý trường MN có nhiều đặc trưng khác với quản lý các loại hình nhà trường khác ở chỗ: đây là một mặt bậc học mang tính tự nguyện, nhà trường MN có 3 nhiệm vụ rất quan trọng, đó là: chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ lứa tuổi MN, một lứa tuổi còn rất nhỏ và gần như phụ thuộc vào sự quan tâm của người lớn. Đối tượng học sinh trường MN là các em còn nhỏ, cơ thể đang còn non nớt, đang giai đoạn phát triển, nên cần sự chăm sóc, nuôi nấng cẩn thận (Cao Thị Thanh Tuyền, 2015).

Quản lý trường mầm non có thể hiểu là quá trình vận dụng nguyên lý, khái niệm, phương pháp chung nhất của khoa học quản lý vào lĩnh vực chăm sóc giáo dục trẻ mầm non. Quản lý trường mầm non là sự tác động có chủ đích của hiệu trưởng trường mầm non đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh trong trường mầm non nhằm đạt mục tiêu chăm sóc giáo dục trẻ mầm non theo quy định (Cao Thị Thanh Tuyền, 2015).

Quản lý là một thành phần quan trọng của một hệ thống mầm non, bởi vì nó có thể xác định xem dịch vụ có đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng hay không, giá cả phải chăng, đáp ứng nhu cầu địa phương, thúc đẩy hiệu quả chi phí và đạt được mục tiêu công bằng (Kagan & Cohen, 1997). Quản lý có thể giúp đảm bảo việc hoạch định chính sách chặt chẽ hơn giữa chính phủ, các tổ chức và chương trình (Hodgkin & Newell, 1996), giúp cho các gia đình có thể tham gia vào hệ thống giáo dục và chăm sóc trẻ dễ dàng hơn (Kagan & Cohen, 1997). Quản lý sẽ tạo điều kiện cung cấp các chương trình giáo dục và chăm sóc trẻ phù hợp với các nhu cầu khác nhau của các gia đình và các khu vực địa lý khác nhau (Gallagher & Clifford, 2000). Không có hệ thống quản lý tốt và hiệu quả, một số phụ huynh tự chắp nối các hình thức giáo dục và chăm sóc trẻ khác nhau với chất lượng khác nhau để đáp ứng nhu cầu của gia đình họ, trong khi trẻ của những gia đình khác có thể bị lãng quên. Trẻ có thể học/phát triển gián đoạn không phù hợp vì chúng phải xếp hàng chờ được nhận vào các cơ sở giáo dục chăm sóc trẻ, và cha mẹ trẻ có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm được một dịch vụ đáng tin cậy gởi con để duy trì việc làm (Capizzano & Adams, 2000; Moore & Vandiviere, 2000; Kagan & Rigby, 2003).

4. Một số nghiên cứu trong và ngoài nước về quản lý chăm sóc trẻ và giáo dục trẻ mầm non

Neuman (2005) nghiên cứu về quản lý chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non ở một số quốc gia OECD kết luận rằng dù các quốc gia này đang đối mặt với các thách thức tương đối giống nhau, họ đã áp dụng rất nhiều cách tiếp cận đa dạng để quản lý chăm sóc trẻ và giáo dục trẻ mầm non. Đặc biệt các quốc gia có cách tiếp cận khác nhau về ba khía cạnh chính: hội nhập hành chính, phân cấp và tư nhân hóa (Kamerman, 2000; Kagan et al., 2002). Những cách tiếp cận đa dạng này cũng là do một phần kết quả của các bên có liên quan khác nhau tham gia vào việc xây dựng các chính sách về quản lý chăm sóc trẻ và giáo dục trẻ mầm non. Trước tiên, các quốc gia OECD theo đuổi mô hình và hệ thống giáo dục trẻ rất khác nhau, việc này có thể có những hàm ý mà có thể nghiên cứu mở rộng liên quan đến các quy định về chất lượng và đội ngũ giáo viên, hỗ trợ của chính phủ và khả năng tiếp cận của trẻ với hệ thống này, cũng như tính tương đồng về chất lượng các loại hình dịch vụ. Một trong những quyết định quản lý quan trọng nhất liên quan đến số lượng các bộ hoặc ngành liên quan tham gia vào các chính sách giáo dục mầm non ở cấp quốc gia. Cần nhiều nghiên cứu hơn về mức độ phân chia giữa ‘chăm sóc’ và ‘giáo dục’, thúc đẩy cạnh tranh và phân mảnh chính sách. Kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy là có xu hướng phân cấp trách nhiệm cho đơn vị cung cấp các dịch vụ chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non để đáp ứng hiệu quả hơn các nhu cầu và hoàn cảnh từng địa phương. Kết luận thứ ba là quy mô và sự tham gia của khu vực tư nhân trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non khác nhau giữa các quốc gia OECD.

Petitclerc và cộng sự  (2017) nghiên cứu về tác động của các chính sách  giảm lựa chọn kinh tế xã hội với các tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc và giáo dục trẻ. Nghiên cứu này tích hợp dữ liệu từ năm nhóm trẻ em sống ở các quốc gia có thu nhập cao (Anh, Hoa Kỳ, Hà Lan, Canada và Na Uy; tổng N = 21,437). Họ so sánh tỷ lệ trẻ mầm non đi học và lựa chọn kinh tế xã hội vào chăm sóc và giáo dục trẻ trên các bối cảnh chính sách khác nhau cho giai đoạn 5 đến 9 tháng, 36 đến 41 tháng. Môi trường chính sách nơi cha mẹ được hưởng ít nhất 6 tháng nghỉ thai sản/nghỉ có lương thì số trẻ phải đi mẫu giáo trong giai đạon đầu thấp hơn giai đoạn sau. Tỷ lệ trẻ mầm non đi mẫu giáo tương ứng với  các khoản trợ cấp mầm non phổ quát (tức là, không nhắm mục tiêu vào gia đình thu nhập thấp). Nghiên cứu của họ cũng tập trung vào các vấn đề khác như thu nhập của các gia đình, trình độ của cha mẹ, trợ cấp của chính phủ.

Một nghiên cứu khác của Ismail, Hindawi, Awamleh và Alawamleh (2018) tìm hiểu các yếu tố quan trọng trong quản lý hiệu quả các đơn vị chăm sóc và giáo dục trẻ ở Jordan, và vai trò của những người lao động chính trong việc thiết lập một môi trường gia đình nuôi dưỡng đảm bảo phúc lợi tối ưu của trẻ mồ côi.  Nghiên cứu khuyến nghị sử dụng các giám đốc có kinh nghiệm, những người có tầm nhìn rõ ràng về quản lý các trung tâm chăm sóc, ngoài việc tăng cường hệ thống khen thưởng và lương của nhân viên tại các trung tâm chăm sóc và đào tạo họ để giúp đào tạo một thế hệ mới thịnh vượng và khỏe mạnh.

Ở Việt Nam, có rất nhiều nghiên cứu về quản lý chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non. Triệu Thị Hằng (2016) nghiên cứu về quản lý hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại trường mầm non Hoa Hồng, Quận Đống Đa, Hà Nội Nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ trong trường mầm non Hoa Hồng bằng việc áp dụng một số biện pháp phù hợp, hiệu quả nhằm đạt mục tiêu giáo dục mầm non “giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1.” Tương tự, Phan Thị Hương Loan (2017) nghiên cứu quản lý hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ ở Trường mầm non công lập trên địa bàn Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tác giả cho rằng những kết quả đạt được ở lứa tuổi này có ý nghĩa quyết định đến sự hình thành và phát triển toàn diện trong suốt cuộc đời của đứa trẻ, điều này phụ thuộc nhiều vào chất lượng chăm sóc - giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội. Tác giả nghiên cứu đề xuất các biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non nói chung và ở trường mầm non công lập trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nói riêng. Đặng Hồng Phương (2017) cũng nghiên cứu thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Việt Nam trong thời kì hội nhập quốc tế.

Có thể thấy ở các quốc gia khác hướng nghiên cứu của họ rất đa dạng về các hoạt động quản lý chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non, từ quản lý cấp nhà nước đến tác động của chăm sóc giáo dục trẻ đến sự phát triển của trẻ. Ở Việt Nam các nghiên cứu về quản lý cũng có rất nhiều nghiên cứu tập trung vào giai đoạn phát triển đầu đời của trẻ. Nghiên cứu này bổ sung thêm vào bức tranh tổng thể về quản lý chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non ở Việt Nam, đặc biệt tập trung vào khu vực thành phố Hồ Chí Minh.

5. Phương pháp nghiên cứu

         Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát ba nhóm đối tượng có liên quan nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý tại các trường mầm non, bao gồm:

  • Cán bộ quản lý giáo dục tại trường mầm non ở TP.HCM (31 người)
  • Giáo viên, bảo mẫu, cấp dưỡng (345 người)

Có 10 trường mầm non trên địa bàn TP.HCM thuộc các quận 1, 3, 7, 9, 12 và quận Gò Vấp được chọn làm mẫu, trong đó có 6 trường công lập, 4 trường tư thục. Có 760 phiếu được phát cho giáo viên (GV) và cán bộ quản lý (CBQL), số phiếu thu về được là 642 phiếu hợp lệ.

6. Thực trạng công tác quản lý chăm sóc và giáo dục trẻ tại các trường mầm non

6.1 Đánh giá tổng quan

GV và CBQL có sự khác biệt trong đánh giá tổng quan công tác quản lý hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ tại các trường mầm non ở thành phố Hồ Chí Minh. Theo GV, công tác quản lý được thực hiện ở mức trung bình (2,51) trong khi CBQL đánh giá chung là ở mức tốt (2,11)

6.2 Kết quả đánh giá chi tiết các yêu cầu về quản lý

6.2.1 Thực hiện mục tiêu quản lý giáo dục tại Trường

Hình 1 thể hiện kết quả đánh giá việc thực hiện mục tiêu quản lý giáo dục tại các trường

Nhìn vào biểu đồ trên có thể CBQL đa số đánh giá cao hơn GV về các công tác liên quan đến việc thực hiện mục tiêu quản lý giáo dục. Tuy nhiên họ có cùng mức đánh giá về việc thực hiện mục tiêu quản lý giáo dục tại trường họ (từ đồng ý đến hoàn toàn đồng ý). Có một yếu tố có sự chênh lệch trong đánh giá của hai nhóm. Đó là “Mục tiêu chăm sóc giáo dục trẻ được cụ thể hóa trong các hoạt động chuyên môn” (3,94 – GV so với 4,23 - CBQL). Ngoài ra có thể nhận thấy là GV đánh giá cao hơn CBQL về nội dung “GV xác định rõ và nắm được mục tiêu chăm sóc GD trẻ” (4,11 so với 4,10) dù mức chênh lệch rất nhỏ.

6.2.2 Công tác lập kế hoạch hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ tại trường:

Hình 2 thể hiện kết quả đánh giá công tác lập kế hoạch hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ

Không giống kết quả đánh giá việc thực hiện mục tiêu quản lý giáo dục tại các trường, GV đa số đánh giá cao hơn CBQL về các mặt liên quan đến công tác lập kế hoạch hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ngoại trừ 2 lĩnh vực:

  • Có kế hoạch kiểm tra nội bộ (GV: 4,22 và CBQL: 4,32)
  • Có sự phối hợp giữa các bộ phận và xác định trọng tâm cụ thể (GV:4,10 và CBQL: 4.23)

Kết quả so sánh cũng cho thấy có sự khác biệt lớn trong mức đánh giá của GV và CBQL đối với 2 nội dung:

  • Có tuyên truyền cho cha mẹ học sinh và cộng đồng về hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ (4,27-GV và 4,03 – CBQL)
  • Theo chế độ sinh hoạt trong ngày (GV-4,23 và CBQL – 4,06)

Kết quả tổng quát cho thấy, cả hai nhóm đánh giá thấp nhất công tác lập kế hoạch hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ “theo các văn bản qui định của Bộ, Ngành, P. GD & ĐT” (4,09 – GV và 3,97 – CBQL)

6.2.3 Tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ ở nhà trường

 Hình 3 thể hiện kết quả đánh giá công tác tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ.

Đối với công tác tổ chức thực hiện kế hoạch, CBQL lại đánh giá cao hơn GV trong hầu hết các khía cạnh (4/6). “Giám sát, hỗ trợ GV thực hiện kế hoạch hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ từng ngày, từng tuần” là nội dung được cả hai nhóm đối tượng đánh giá bằng nhau (4,16). “Bồi dưỡng chuyên môn cho GV mầm non để thực hiện các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ” là nội dung GV đánh giá cao hơn CBQL (4,19 và 4,16).

Hai nội dung được đánh giá thấp nhất giữa hai nhóm là khác nhau. Đối với CBQL, đó là:

  • Bồi dưỡng chuyên môn cho GV mầm non để thực hiện các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ (4,16)
  • Giám sát, hỗ trợ GV thực hiện kế hoạch hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ từng ngày, từng tuần (4,16)

Đối với GV, đó là:

  • Phân công trách nhiệm rõ ràng giữa hiệu trưởng, các hiệu phó và khối trưởng, tổ trưởng chuyên môn (4,12)
  • Chuẩn bị kinh phí, cơ sở vật chất, đồ chơi, tài liệu,… phục vụ cho các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ (4,12)

6.2.4 Chỉ đạo thực hiện kế hoạch hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ

Đối với công tác chỉ đạo thực hiện kế hoạch hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, GV và CBQL cũng có sự chênh lệch trong mức đánh giá. CBQL đánh giá cao hơn GV ba lĩnh vực:

  • Động viên khuyến khích, khen thưởng kịp thời (4,29)
  • Hướng dẫn GV điều chỉnh kế hoạch phù hợp với điều kiện lớp học, trình độ của học sinh (4,19)
  • Hướng dẫn GV chuyển từ kế hoạch chung thành kế hoạch hàng tháng/tuần/ngày/các hoạt động (4,13)

Trong khi GV đánh giá các nội dung sau cao hơn:

  • Giám sát, hỗ trợ GV thực hiện kế hoạch hoạt động, chăm sóc từng ngày/tuần
  • Có biện pháp xử lý GV không thực hiện kế hoạch.

Như vậy có thể thấy CBQL đánh giá cao và cho rằng họ hỗ trợ GV phát triển chuyên môn và khen thưởng kịp thời. Tuy nhiên cho rằng CBQL làm tốt công tác công tác giám sát và xử lý hơn là hỗ trợ họ.

6.2.5 Hoạt động kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ

Có sự chênh lệch trong đánh giá giữa GV và CBQL. Một số lĩnh vực được CBQL đánh giá ở mức cao hơn so với mức GV đánh giá (4/12 nội dung). Đó là:

  • Phối hợp giữa các bộ phận trong trường kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của GV
  • Kiểm tra việc tổ chức bữa ăn
  • Kiểm tra việc thực hiện vệ sinh lớp, vệ sinh cá nhân trẻ
  • Dự giờ, kiểm tra hoạt động dạy học

Và các nội dung này liên quan chủ yếu đến hoạt động chăm sóc trẻ hơn là giáo dục trẻ. Đa số các nội dung khác GV đánh giá cao hơn CBQL. Trong đó, hai nội dung GV và CBQL cùng đánh giá thấp là: “Tổ chuyên môn kiểm tra giám sát việc thực hiện kế hoạch” (4,01 và 3,97). CBQL đánh giá thấp nhất là: “Kiểm tra chuyên đề” (3,71)

6.2.6 Quản lý công tác bồi dưỡng chuyên môn cho GV tại trường để phục vụ công tác chăm sóc và giáo dục trẻ

Hình 7 thể hiện kết quả đánh giá quản lý công tác bồi dưỡng chuyên môn cho GV tại trường để phục vụ công tác chăm sóc và giáo dục trẻ.

 

Kết quả khảo sát công tác quản lý bồi dưỡng chuyên môn cho GV tại trường để phục vụ công tác chăm sóc và giáo dục trẻ cho thấy hai nhóm bắt đầu có mức đánh giá thấp hơn so với các nội dung khảo sát được thảo luận ở trên. Nhiều nội dung có mức đánh giá thấp hơn 4. Nhìn chung, CBQL đánh giá ở mức thấp hơn GV. Trong đó CBQL và GV cùng đánh giá ờ mức thấp là:

  • Tổ chức thi GV dạy giỏi, viết sáng kiến kinh nghiệm (CBQL-3,71; GV-3,94)
  • Nội dung sinh hoạt chuyên đề có trọng tâm (CBQL - 3,65)
  • Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm (GV – 3,99).

Như vậy có thể thấy CBQL đánh giá cao và cho rằng họ hỗ trợ GV phát triển chuyên môn và khen thưởng kịp thời. Tuy nhiên cho rằng CBQL làm tốt công tác công tác giám sát và xử lý hơn là hỗ trợ họ.

6.2.7Thực hiện nội dung quản lý cơ sở vật chất tại trường:

Hình 7 thể hiện kết quả đánh giá thực hiện nội dung quản lý cơ sở vật chất tại trường

GV đánh giá thực hiện nội dung quản lý cơ sở vật chất tại các trường mầm non cao hơn CBQL. GV và CBQL cùng đánh nhá cao nhất là: Nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất (CSVC) (GV- 4,21 và CBQL- 4,13) và thấp nhất là “Mua sắm phương tiện hiện đại” (GV - 4,04 và CBQL – 3,93). Như vậy, các trường mầm non có chú trọng nâng cấp sửa chữa CSVC. Tuy nhiên các trường cần đầu tư hơn vào việc mua sắm các phương tiện hiện đại trong điều kiện cho phép của các trường.

6.3 Các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ tại các trường mầm non ở thành phố Hồ Chí Minh

Đánh giá mức độ ảnh hưởng của năm nội dung đến công tác quản lý hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ tại các trường mầm non ở thành phố Hồ Chí Minh, CBQL đánh giá mức độ ảnh hưởng cao hơn so với GV. Dù có sự khác biệt trong đánh giá mức độ ảnh hưởng, cả CBQL và GV đếu đánh giá yếu tố ảnh hưởng cao nhất là “Năng lực, trình độ nhận thức của GV” (GV- 4,10 và CBQL – 4,48) và thấp nhất là “Các văn bản chỉ đạo của nhà nước, của ngành giáo dục và đào tạo” (GV- 3,92và CBQL – 4,03).

Như vậy, để nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác quản lý, các trường cần ưu tiên quan tâm đến nâng cao năng lực và trình độ nhận thức của GV.

6.4 Các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động chăm sóc và giáo dục tại các trường mầm non ở thành phố Hồ Chí Minh.

Hình 9 thể hiện mức đánh giá về sự cần thiết của các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động chăm sóc và giáo dục tại các trường mầm non ở thành phố Hồ Chí Minh.

Hình 9 cho thấy CBQL đánh giá mức cần thiết của các biện pháp được khảo sát cao hơn GV. GV và CBQL cùng đánh giá mức cao nhất nhì cho:

  • Hỗ trợ GV xây dựng môi trường học tập trên lớp (CBQL - 4,45 và GV – 4,13)

Hai nội dung cần thiết được hai nhóm đánh giá cao là:

  • Khai thác và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hỗ trợ hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ (CBQL- 4,47)
  • Tăng cường hoạt động tự bồi dưỡng của GV (4,12)

Từ quan điểm của hai nhóm khảo sát, kết quả cho thấy các trường mầm non ở thành phố Hồ Chí Minh.cần hỗ trợ GV xây dựng môi trường học tập trên lớp, tăng cường hoạt động tự bồi dưỡng của GV và khai thác và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hỗ trợ hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ nhằm tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động chăm sóc và giáo dục.

  • Các điểm cần cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các trường mầm non

Từ các kết quả khảo sát có thể thấy, CBQL và GV có các mức đánh giá khác nhau về các nội dung được khảo sát. CBQL đánh giá cao hơn về mặt tổng thể công tác quản lý các trường mầm non. Họ đánh giá cao hơn các nội dung trực tiếp liên quan đến việc chỉ đạo quản lý của họ và đánh giá thấp hơn GV các vấn đề có liên quan đến năng lực và sự hợp tác của GV. Ngoài ra, có thể thấy công tác quản lý liên quan đến chăm sóc trẻ được đánh giá tốt hơn các công tác liên quan đến giáo dục trẻ.

Kết quả khảo sát cho thấy các vấn đề sau đây cần được đẩy mạnh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ ở các trường mầm non Tp. HCM.

  1. Mục tiêu chăm sóc giáo dục trẻ được cụ thể hóa trong các hoạt động chuyên môn
  2. Công tác lập kế hoạch hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ “theo các văn bản qui định của Bộ, Ngành, P. GD & ĐT”
  3. Bồi dưỡng chuyên môn cho GV mầm non để thực hiện các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ
  4. Giám sát, hỗ trợ GV thực hiện kế hoạch hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ từng ngày, từng tuần
  5. Phân công trách nhiệm rõ ràng giữa hiệu trưởng, các hiệu phó và khối trưởng, tổ trưởng chuyên môn
  6. Chuẩn bị kinh phí, cơ sở vật chất, đồ chơi, tài liệu,… phục vụ cho các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ
  7. Tổ chuyên môn kiểm tra giám sát việc thực hiện kế hoạch
  8. Kiểm tra chuyên đề

Ngoài ra, các trường cần đầu tư hơn vào việc mua sắm các phương tiện hiện đại trong điều kiện cho phép của các trường.

Để nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác quản lý, các trường cần ưu tiên quan tâm đến nâng cao năng lực và trình độ nhận thức của GV. Kết quả cũng cho thấy các trường mầm non ở thành phố Hồ Chí Minh cần hỗ trợ GV xây dựng môi trường học tập trên lớp, tăng cường hoạt động tự bồi dưỡng của GV và khai thác và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hỗ trợ hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ nhằm tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động chăm sóc và giáo dục.

Các kết quả khảo sát cũng cho thấy đào tạo giáo viên mầm non giai đoạn ban đầu (thuộc trách nhiệm của các trường SP) cũng rất quan trọng nhằm giúp phát triển năng lực giáo viên. Giai đoạn đào tạo ban đầu này cần lưu ý tập trung thêm vào giúp sinh viên sư phạm mầm non xây dựng môi trường học tập trên lớp [tương ứng với giải pháp d). trong bài viết này].

  1. Kết luận:

Quản lý GDMN là hệ thống những tác động có mục đích, có khoa học của các cấp quản lý đến các cơ sở GDMN, nhằm tạo ra những điều kiện tối ưu cho việc thực hiện mục tiêu của giáo dục mầm non; quản lý GDMN là một bộ phận cấu thành không thể tách rời của quản lý GDMN nói riêng và QLGD nói chung. Giải pháp nâng cao chất lượng quản lý ở các cơ sở GDMN là những cách thức cụ thể để thực hiện phương pháp quản lý đối với các cơ sở GDMN nhằm tạo ra những điều kiện tối ưu cho việc thực hiện mục tiêu của giáo dục mầm non. Nội dung quản lý hoạt động giáo dục trong các trường mầm non bao gồm: Lập kế hoạch hoạt động giáo dục; Quản lý mục tiêu giáo dục trẻ; Quản lý việc thực hiện nội dung kế hoạch giáo dục; Quản lý hoạt động trên lớp của giáo viên; Quản lý hoạt động chăm sóc của bảo mẫu; Quản lý cơ sở vật chất hỗ trợ hoạt động giáo dục. Nhìn chung việc quản lý hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ tại các trường mầm non ở TP.HCM hiện nay là từ khá đến tốt.

Kết quả nghiên cứu thực trạng GDMN tại các cơ sở GDMN ở quận TP.HCM chúng tôi đã nhận thấy bên cạnh những thành công đạt được còn một số hạn chế nhất định trong công tác quản lý về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ chưa được đồng bộ và hiệu quả. Các trường cần có kế hoạch cụ thể nhằm cải tiến các điểm chưa được đánh giá cao tại các trường. Việc này sẽ sẽ góp phần ổn định về đội ngũ, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục, tích cực đầu tư cơ sở vật chất – trang thiết bị, nhằm đảm bảo cho tất cả trẻ em đều được hưởng sự chăm sóc giáo dục tốt trong mọi loại hình giáo dục.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ban chấp hành Trung Ương. (2013). Nghị quyết hội nghị trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo(số 29). Hà Nội: Văn phòng Chính phủ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2014). Ban hành Điều lệ trường Mầm Non (số 05). Hà   Nội: BGDĐT

Cao Thanh Tuyền. (2015). Hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ ở các trường mầm non ngoài công lập quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Trường Đại học Vinh, Nghệ An, Việt Nam.

Capizzano, J. & Adams, G. (2000) The number of child care arrangements used by children under five: variation across states (No. B-12) (Washington, DC, Urban Institute).

Đặng Hồng Phương. (2017). Thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Việt Nam trong thời kì hội nhập quốc tế. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 12/2017, 130-132.

Gallagher, J. & Clifford, R. C. (2000) The missing support infrastructure in early childhood, Early Childhood Research and Practice, 2(1), 1–24.

Hodgkin, R. & Newell, P. (1996) Effective government structures for children: report of a Gulbenkian Foundation inquiry (London, Gulbenkian Foundation).

Ismail, B.L. Hindawi, H., Awamleh, W. & Alawamleh, M. (2018). The key to successful management of child care centres in Jordan. International Journal of Child Care and Education Policy, 12(3), https://doi.org/10.1186/s40723-018-0042-5

Kagan, S. L. & Cohen, N. E. (1997) Not by chance: creating an early care and education system for America’s children (Report of the Quality 2000 Initiative) (New Haven, CT, Yale University Bush Center).

Kagan, S. L. & Rigby, E. (2003) Improving the readiness of children for school: recommendations for state policy (A discussion paper for the Policy Matters Project) (Washington, DC, Center for the Study of Social Policy).

Kagan, S. L., Mitchell, A. & Neuman, M. J. (2002) Governing American early care and education: retrospective and prospective perspectives Unpublished ms.

Kamerman, S. B. (2000) Early childhood education and care: an overview of developments in the OECD countries, International Journal of Educational Research, 33(1), 7–30.

Michelle J. Neuman (2005) Governance of early childhood education and care: recent developments in OECD countries, Early Years, 25:2, 129-141, DOI: 10.1080/09575140500130992

Moore, K. A. & Vandiviere, S. (2000) Turbulence and child well-being (No. B-16) (Washington, DC, Urban Institute).

Nguyễn Ngọc Quang. (1989). Những khái niệm cơ bản về lý luận quản lý giáo dục, Trường CBQL GD-ĐT, Hà Nội, Việt Nam.

Petitclerc, A. Côté, S., Doyle1, O., Burchina, M. Herba, C. Zachrisson, D.H., Boivin, M., Tremblay, E. R. Tiemeier, H., Jaddoe, V., & Raat, H. (2017). Who uses early childhood education and care services? Comparing socioeconomic selection across five western policy contexts. International Journal of Child Care and Education Policy, 11(3), doi 10.1186/s40723-017-0028-8.

Phạm Minh Hạc. (2010). Một số vấn đề giáo dục Việt nam đầu thế kỉ XXI. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục

Phan Thị Hương Loan. (2017). Quản lý hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ ở trường mầm non công lập trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Journal of Education Management, 9(12), 78-85.

Triệu Thị Hằng. (2016). Quản lí hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng trẻ tại trường mầm non Hoa Hồng quận Đống Đa - Hà Nội trong bối cảnh hiện nay. Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội, Việt Nam.

 

Nguồn: Bài đã đăng ở Tạp chí khoa học Trường Đại học An Giang ISSN 0866-8066, Số 2019.A.19, Ngày 12 Tháng 06 Năm 2019, Do Trường Đại học An Giang xuất bản.