Thực hiện nâng cao trí nhớ từ ngữ Logic cho học sinh tiểu học vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long - ThS. Nguyễn Thị Phú Quý

  1. Đặt vấn đề

Trí nhớ là năng lực tiếp nhận, lưu giữ và tái hiện lại kinh nghiệm sống. Bản năng và cơ chế hành vi bẩm sinh của con người chính là kinh nghiệm sống được ghi nhận và truyền lại theo con đường di truyền hoặc được người đó lĩnh hội trong quá trình sống của họ. Trí nhớ có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của con người, giúp hình thành các năng lực và là điều kiện để họ học tập, hình thành kỹ năng, kỹ xảo; đặc biệt đối với học sinh tiểu học. Nhờ có trí nhớ, các em thực hiện được những nhiệm vụ học tập qua đó phát triển các năng lực nhận thức, phát triển các nhu cầu và động cơ học tập - điều kiện để các em đạt được sự phát triển toàn diện trong các bậc học cao hơn. Tuy nhiên, kết quả khảo sát thực trạng sự phát triển trí nhớ của học sinh tiểu học vùng nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long cho thấy hơn một phần ba học sinh lớp 3 được khảo sát có mức nhớ từ ngữ logic ở dưới trung bình (37,5%) và xấp xỉ 1/5 học sinh lớp 5 (20,2%) có mức nhớ từ ngữ logic ở dưới trung bình. Do đó việc tiến hành thực nghiệm để kiểm tra hiệu quả tác động của các bài tập đối với sự phát triển trí nhớ của học sinh là yêu cầu cần thiết để từ đó đề xuất hệ thống các bài tập phù hợp nhằm rèn luyện, phát triển trí nhớ cho các em, đặc biệt là trí nhớ từ ngữ logic cho học sinh vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long.

  1. Kết quả nghiên cứu

2.1. Mẫu nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu

2.1.1. Mẫu nghiên cứu

       Nhóm nghiên cứu tiến hành thực nghiệm trên 109 học sinh khối lớp 3 và 5 ở trường tiểu học Văn Giáo, tỉnh An Giang, năm học 2016 - 2017, gồm 2 lớp thực nghiệm (lớp 3A và lớp 5A) và 2 lớp đối chứng (lớp 3B và lớp 5B) với thành phần cụ thể như sau:

2.1.2. Phương pháp nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp thực nghiệm sư phạm là phương pháp nghiên cứu chính, bên cạnh đó phương pháp thống kê toán học cũng được sử dụng để xử lý kết quả đo trước và sau thực nghiệm.

- Cơ sở của việc thực hiện thực nghiệm:

Việc tổ chức thực nghiệm được thực hiện dựa trên những điều kiện sau:

+ Điều kiện chủ quan: thành quả của sự phát triển tâm lý của học sinh tiểu học, đặc biệt là thực trạng khả năng ghi nhớ từ ngữ logic của học sinh lớp 3 và lớp 5 đã được nghiên cứu. 

+ Điều kiện khách quan: dựa trên cơ sở nghiên cứu của tác giả Дубровинa về cách thức triển khai các dạng bài tập phát triển trí nhớ từ ngữ logic cho học sinh tiểu học (Дубровинa И. В. и другие, 2003); nội dung chương trình và đặc điểm hoạt động dạy- học tiếng Việt lớp 3 và lớp 5.

- Cách tiến hành thực nghiệm:

Bước 1: Đo trước thực nghiệm

Việc đo trước thực nghiệm được thực hiện đối với 109 học sinh ở cả 2 nhóm thực nghiệm và đối chứng. Bài tập đo trước thực nghiệm được sử dụng lại các bài tập ghi nhớ đoạn văn được dùng để đo thực trạng trí nhớ logic từ ngữ của học sinh tiểu học khối 3 và 5, năm học 2016 – 2017.

+ Cách thực hiện: Đầu tiên giáo viên phát tờ giấy làm bài chọ học sinh, sau đó hướng dẫn cả lớp: “Thầy/Cô sẽ đọc cho các em nghe một đoạn văn ngắn. Các em được nghe 3 lần. Sau đó các em sẽ có 15 phút để viết lại nội dung của đoạn văn (viết lại những gì các em nhớ). Các em có thể rút gọn các câu. Lưu ý là không hỏi nhau trong quá trình làm bài”. Tiếp theo giáo viên đọc đoạn văn 3 lần và tính giờ làm bài. 

+ Nội dung đoạn văn dành cho học sinh lớp 3 trích từ truyện “Con thiên nga bé bỏng” [3, tr.20-21].

+ Nội dung đoạn văn dành cho học sinh lớp 5 trích từ bài “Tiếng chim buổi sớm” [2,tr.46-47].

Bước 2: Tác động thực nghiệm

Tác động thực nghiệm được thực hiện với 55 học sinh trong nhóm thực nghiệm theo hình thức tiết thực hành luyện tập trong lớp. Các em được giáo viên tổ chức cho thực hiện luyện tập theo 3 dạng bài tập trong thời gian 4 tuần (mỗi tuần 2 tiết). Giáo viên dựa nội dung các dạng bài tập để soạn kế hoạch bài dạy, trao đổi với nhóm nghiên cứu để thống nhất và lên lớp theo từng tiết học. Nội dung các dạng bài tập bao gồm:

Dạng bài tập 1: Trò chơi máy tính

+ Nội dung: học sinh tham gia trò chơi này bắt chước hoạt động của máy tính. Tất cả học sinh ngồi thành vòng tròn, và người đầu tiên nói ra một số nguyên bất kỳ từ 1-5, người tiếp theo nói ra dấu + hoặc -, người kế tiếp nói ra một số bất kỳ, người tiếp theo nói ra kết quả của phép tính số học.

+ Cách thực hiện: Giáo viên tổ chức cho học sinh đứng thành vòng tròn, sau đó hướng dẫn các em cách chơi, tổ chức cho các em chơi thử để hiểu được cách chơi trước khi bắt đầu.

Dạng bài tập 2: Trò chơi tô màu

+ Nội dung: Đọc cho học sinh nghe đoạn văn ngắn mô tả một con vật nào đó và sau đó phát cho học sinh bức vẽ phác họa con vật được mô tả. Học sinh cần nghe và nhớ nội dung câu chuyện, sau đó dùng bút chì màu tô con vật như nó được mô tả trong đoạn văn.

+ Chuẩn bị: nội dung đoạn văn, tờ giấy có in hình con vật, bút chì để tô màu.

+ Cách thực hiện: Đầu tiên, giáo viên hướng dẫn học sinh: “Cô sẽ đọc cho các em nghe một đoạn văn ngắn miêu tả về con vật. Các em lắng nghe và chú ý các màu sắc, vị trí của chúng trên con vật. Sau đó cô sẽ phát cho các em một bức tranh để các em tô màu theo đúng như miêu tả trong đoạn văn”. Tiếp theo giáo viên đọc đoạn văn, phát giấy làm bài và thu bài.

+ Chấm điểm: Giáo viên linh hoạt chấm điểm theo tiêu chí các em tô càng đúng nhiều màu càng nhiều điểm, tối đa 10 điểm.

Dạng bài tập 3: Trò chơi “ai nhớ nhiều hơn”

+ Nội dung: Đọc lần lượt cho học sinh nghe 2 đoạn văn ngắn, mỗi đoạn có khoảng 12-15 đơn vị nghĩa (đơn vị nghĩa có thể là câu hoặc các con số). Sau khi đọc mỗi đoạn, yêu cầu học sinh viết lại nội dung chính của đoạn văn trong khoảng 10 phút (viết lại những gì mình nhớ được).

+ Chuẩn bị: nội dung hai đoạn văn ngắn, bút và giấy để học sinh ghi lại nội dung.

+ Cách thực hiện: Giáo viên hướng dẫn học sinh: “Cô sẽ đọc cho các em nghe một đoạn văn ngắn. Các em hãy chăm chú nghe. Sau đó các em sẽ có 10 phút để viết ra nội dung chính của đoạn văn (viết lại những gì các em nhớ). Các em có thể rút gọn các câu. Lưu ý là không hỏi nhau trong quá trình làm bài”. Tiếp theo giáo viên đọc đoạn văn thứ nhất sau đó cho học sinh ghi lại những nội dung nhớ được (trong 10 phút). Giáo viên tiến hành các bước như trên với đoạn văn thứ hai sau khi cho học sinh nghỉ 5 phút.

+ Chấm điểm: Học sinh ghi lại đúng 1 ý được 1 điểm, tối đa 10 điểm.

Nội dung các đoạn văn ở dạng bài tập 2 và dạng bài tập 3 được nhóm nghiên cứu biên soạn và lựa chọn trong sách Truyện đọc lớp 3, NXB Giáo Dục, 2003.

Kế hoạch thực hiện tác động thực nghiệm được phân bố cụ thể như sau:

Bước 3: Đo sau thực nghiệm

Hoạt động đo sau thực nghiệm được thực hiện trên 109 học sinh ở cả nhóm thực nghiệm và đối chứng.

+ Cách thực hiện tương tự với cách thực hiện đo trước thực nghiệm.

+ Nội dung đoạn văn lớp 3 trích từ câu chuyện “Mua kính” [1, tr.53].

+ Nội dung đoạn văn lớp 5 trích từ câu chuyện “Cò và Vạc” [1, tr.151].

- Cách đánh giá: Bài làm của học sinh được chấm điểm theo ý nhớ đúng và theo thang điểm 10. Sau khi chấm điểm bài làm của học sinh, nhóm nghiên cứu qui đổi điểm ra tỉ lệ phần trăm và đánh giá trí nhớ của các em theo 5 mức độ tương ứng với tỉ lệ phần trăm:

2.2. Kết quả thực nghiệm

Để khẳng định hiệu quả của tác động thực nghiệm nhóm nghiên cứu tập trung tìm hiểu mức độ trí nhớ logic của học sinh ở lần đo trước thực nghiệm, đo sau thực nghiệm và so sánh sự khác biệt có ý nghĩa của hai lần đo ở nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng.

2.2.1. Kết quả đo trước thực nghiệm

Kết quả đo trước thực nghiệm ở bảng 4 cho thấy tất cả học sinh được khảo sát đều có trí nhớ từ ngữ logic ở mức độ dưới trung bình. Cụ thể có 100% học sinh lớp 3A có trí nhớ từ ngữ logic ở mức độ kém, các em không thể nhớ lại ý nào trong đoạn văn sau khi nghe người khảo sát đọc qua 3 lần. Học sinh lớp 3B có tỉ lệ trí nhớ từ ngữ logic ở mức kém thấp hơn (95,7%) do có 1 em ở mức phát triển yếu. Tương tự như vậy, học sinh lớp 5B cũng có 1 em ở mức độ phát triển yếu, còn lại đều ở mức độ kém với tỉ lệ 96,8% và với tình hình tương đối khả quan hơn, học sinh lớp 5A có tỉ lệ học sinh ở mức độ kém thấp nhất là 89,7%; còn lại 3 em ở mức độ yếu với tỉ lệ 10,3%.

 

2.2.2. Kết quả đo sau thực nghiệm

 

Sau 1 tháng tác động thực nghiệm thông qua các tiết thực hiện luyện tập các bài tập giúp tăng khả năng ghi nhớ đoạn văn ở các lớp thực nghiệm và không tác động gì ở các lớp đối chứng, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát các lớp thuộc 2 nhóm và nhận được kết quả thể hiện ở bảng 5. Xét ở các lớp thực nghiệm, lớp 3A so với tỉ lệ 100% học sinh có mức phát triển kém trong bài khảo sát đầu vào thì ở kết quả này đã có sự thay đổi. Tỉ lệ học sinh ở mức phát triển kém giảm còn 88,5%; tỉ lệ còn lại chia đều ở 3 mức: phát triển yếu, trung bình và khá (mỗi mức 3,8%). Lớp 5A cũng cho thấy sự tiến bộ khi đã có học sinh đạt mức trung bình, khá và tốt tuy tỉ lệ ở mức khá và tốt chưa nhiều (6,9% và 3,4%); tỉ lệ trung bình có được 8 em với tỉ lệ 27,6%. Như vậy sau khi tác động thực nghiệm, học sinh lớp 3A có 3 em thể hiện sự tiến bộ, trí nhớ logic tăng từ mức độ phát triển kém lên các mức độ yếu, trung bình và khá; học sinh lớp 5A có 11 em thể hiện sự tiến bộ và đạt kết quả khảo sát trên trung bình.

       Khảo sát nhóm đối chứng, số liệu ở bảng trên cho biết tỉ lệ học sinh có trí nhớ logic ở mức độ dưới trung bình vẫn còn chiếm đa số: 95,7% ở lớp 3B và 90,3% ở lớp 5B. Đi vào chi tiết, chúng ta thấy kết quả của lớp 3B cũng có sự thay đổi nhưng rất nhỏ so với kết quả khảo sát đầu vào, đó là tăng thêm 1 học sinh đạt mức phát triển yếu và 1 học sinh đạt mức trung bình với tỉ lệ học sinh đạt mức phát triển kém là 8,7%; mức phát triển trung bình là 4,3%. Tương tự nhóm thực nghiệm, học sinh khối lớp 5 ở nhóm đối chứng thể hiện sự tiến bộ nhiều hơn so với khối lớp 3; học sinh lớp 5B có 9 em đạt mức phát triển yếu và 3 em đạt mức trung bình với các tỉ lệ 29% và 9,7%. Như vậy, ở các nhóm đối chứng kết quả khảo sát vẫn thể hiện sự tiến bộ tuy nhiên khá nhỏ với 2 em ở lớp 3 và 11 em ở lớp 5 và không có em nào đạt được mức phát triển trên trung bình.

2.2.3. So sánh sự khác biệt kết quả bài tập giữa hai lần đo của học sinh nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng

- Sự khác biệt ý nghĩa ở nhóm thực nghiệm:

Nhóm nghiên cứu thực hiện kiểm định so sánh cặp đôi (Paires - Samples T Test) để tìm hiểu sự khác biệt có ý nghĩa của điểm trung bình giữa hai lần khảo sát. Kết quả kiểm nghiệm ở bảng 6 cho thấy với tất cả các giá trị Sig đều nhỏ hơn alpha (với alpha là 0,05) thể hiện có sự khác biệt có ý nghĩa giữa kết quả khảo sát giữa 2 lần đo. Hay nói cách khác, kết quả khảo sát học sinh sau khi tiến hành thực nghiệm có khác biệt so với kết quả trước khi tiến hành thực nghiệm và sự khác biệt này theo hướng đi lên (hiệu của điểm trung bình sau thực nghiệm với trước thực nghiệm có giá trị dương). Tìm hiểu chi tiết ở các khối lớp chúng ta thấy ở lớp 5, sự chênh lệch điểm trung bình giữa hai lần đo là 2,5172 cao hơn so với lớp 3 là 1,3846. Như vậy, sự tác động về phát triển trí nhớ từ ngữ logic cho học sinh lớp 5 hiệu quả và dễ dàng hơn so với học sinh lớp 3. Có thể giải thích sự chênh lệch này do sự tác động một phần của ngôn ngữ và khả năng chú ý. Học sinh lớp 3 có vốn từ khá ít đặc biệt là học sinh dân tộc với ngôn ngữ hằng ngày của các em là tiếng Khmer hoặc tiếng Hoa cùng với dung lượng chú ý và độ bền chú ý chưa cao nên các em gặp khó khăn trong việc ghi nhớ, đặc biệt là ghi nhớ đoạn văn. Trong khi đó ở học sinh lớp 5, nhờ quá trình học tập mà vốn từ của các em đã gia tăng rất nhiều cùng với dung lượng chú ý và độ bền chú ý phát triển hơn giúp các em dễ dàng ghi nhớ hơn và kết quả là sự tác động thực nghiệm về trí nhớ đạt kết quả khả quan hơn so với học sinh lớp 3.

- Sự khác biệt ý nghĩa ở nhóm đối chứng:

Số liệu ở bảng 7 cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa giữa hai lần đo ở chỉ số trí nhớ từ ngữ logic của lớp 3B và chỉ số trí nhớ từ ngữ logic của lớp 5B (với alpha là 0,05; hai giá trị Sig lần lượt là 0,023 và 0,000 đều nhỏ hơn alpha). Quan sát chi tiết hơn, chúng ta thấy sự khác biệt điểm trung bình ở trí nhớ từ ngữ logic của học sinh lớp 3B nhỏ hơn so với lớp 5B. Kết quả này cho thấy mặc dầu không có tác động thực nghiệm nhưng nhờ hoạt động học tập trí nhớ từ ngữ logic của học sinh vẫn có sự phát triển, tuy nhiên sự phát triển diễn ra khiêm tốn hơn so với nhóm có tác động thực nghiệm.

  1. Kết luận

Từ các số liệu nghiên cứu thực nghiệm trên, chúng ta có thể đi đến các kết luận sau:

Thứ nhất, tác động thực nghiệm thông qua các dạng bài tập rèn luyện khả năng ghi nhớ từ ngữ logic đã nâng cao một mức trí nhớ từ ngữ logic cho các em thông qua sự khác biệt có ý nghĩa giữa hai lần đo ở nhóm thực nghiệm. Như vậy có thể phát triển các bài tập thực nghiệm thành hệ thống bài tập cùng dạng để rèn luyện trí nhớ từ ngữ logic cho học sinh tiểu học vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ hai, sự chênh lệch điểm trung bình trí nhớ logic của học sinh lớp 3 thấp hơn của học sinh lớp 5 cho thấy tác động thực nghiệm phát triển trí nhớ từ ngữ logic ở học sinh lớp 5 có hiệu quả hơn so với lớp 3.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2003). Sách Tiếng Việt lớp 2. NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  2. Tạ Đức Hiền và nhóm tác giả. (2011). Tuyển chọn những bài văn kể chuyện lớp 5. NXB ĐHSP, TPHCM.
  3. Trần Mạnh Hưởng, Lê Hữu Tình. (2016). Truyện đọc lớp 3. NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.