Bí quyết thành công của Phần Lan: Đào tạo Giáo viên - Người dịch: ThS.Nguyễn Hoàng Thiện

Pasi Sahlberg, Tổng giám đốc Trung tâm Trao đổi và Hợp tác Quốc tế

Người dịch: ThS. Nguyễn Hoàng Thiện

Bài đăng trên trang web của tổ chức Teach for Vietnam, 2017.

Vài nét v bài viết

Trong thp niên qua, Phn Lan ni lên như là mt quc gia đng đu trong các nước OECD v thành tu giáo dc. Trong vic tìm hiu nhng nguyên nhân giúp Phn Lan nhanh chóng đt được v trí cao này thì các nghiên cu ch ra rng mt yếu t quan trng hơn hết giúp to ra thành qu này ca Phn Lan đó chính là: đi ngũ giáo viên xut sc. Bài viết này mô t khái quát nhng yếu t then cht ca h thng giáo dc thành công ca Phn Lan, xem xét s chun b đi ngũ giáo viên, phát trin chuyên môn và hc tp chuyên môn, h thng ra quyết đnh, nhng thc tế ca chương trình hc và đánh giá, nhng vn đ chính sách trong tương lai ca Phn Lan và nhng bài hc mà Hoa Kỳ có th hc được t thành công ca Phn Lan.

Công trình này thc hin được là nh vào s tài tr đáng k ca qu Ford.

Với những thành tựu nổi bậc về giáo dục, Phần Lan được xem là một trong những quốc gia có số người biết đọc viết cao nhất trên thế giới. Hơn 98% người dân tham gia giáo dục mầm non, 99% hoàn thành giáo dục bắt buộc và 94% học sinh bậc học trung học phổ thông hoàn thành bậc học này. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông nghề cũng đạt gần 90%.

Kể từ việc nổi lên như quốc gia có điểm cao nhất trong các nước OECD trong kết quả đánh giá PISA quốc tế vào năm 2000, những nhà nghiên cứu đã đổ dồn về quốc gia này để tìm hiểu hiện tượng “thần kỳ Phần Lan”. Làm thế nào mà một quốc gia với một hệ thống giáo dục không có gì đặc biệt vào những năm 1980 lại có thể vươn lên vị trí hàng đầu thế giới chỉ trong một vài thập niên? Nghiên cứu và thực tế đã cho thấy một yếu tố quan trọng hơn hết những yếu tố khác tạo ra thành quả này đó chính là: giáo viên xuất sắc. Bài viết này xem xét khái quát vai trò trọng yếu mà giáo viên và đào tạo giáo viên nắm giữ trong quá trình chuyển hoá của hệ thống giáo dục Phần Lan.

Giáo viên trong xã hi Phn Lan

Giáo dục luôn là một phần không thể tách rời trong văn hoá và xã hội Phần Lan, ở quốc gia này giáo viên được xã hội tôn trọng và tin tưởng. Phần Lan coi nghề giáo là một nghề cao quý, có uy tín - giống như y học, luật pháp hoặc kinh tế - và được theo đuổi vì những mục đích đạo đức hơn là lợi ích vật chất.

Giáo viên cũng là lý do chính giúp Phần Lan dẫn đầu nhóm trong đánh giá về khả năng đọc viết, khoa học và toán học trên phạm vi quốc tế. Cho đến những năm 1960, trình độ học vấn ở Phần Lan vẫn còn khá thấp. Chỉ có một trong số 10 người Phần Lan trưởng thành trong thời gian đó có thể hoàn thành hơn chín năm giáo dục cơ bản; đạt được bằng đại học là một thành tựu phi thường lúc này (Sahlberg, 2007). Sau đó, trình độ học vấn của người Phần Lan tương đương với Malaysia và Peru và tụt hậu so với các nước láng giềng ở Scandinavia như Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển. Ngày nay, Phần Lan công khai công nhận giá trị của giáo viên và tin tưởng vào khả năng chuyên môn của họ trong các trường học. Không có giáo viên giỏi thì những thành công quốc tế hiện tại của Phần Lan dường như là không thể đạt được.

Những thành tựu giáo dục này dường như càng đặc biệt hơn khi biết rằng trẻ em Phần Lan không bắt đầu học tiểu học cho đến khi bảy tuổi. Hệ thống giáo dục ở Phần Lan hiện nay bao gồm một năm tự chọn trước khi vào lớp 1 cho trẻ sáu tuổi, tiếp theo là chín năm giáo dục cơ bản bắt buộc (peruskoulu) – với sáu năm tiểu học và ba năm trung học (trung học cơ sở). Tiếp theo là ba năm trung học phổ thông tự nguyện với hai chương trình chính: giáo dục tổng quát và giáo dục nghề. Các chuyên gia về nội dung và giáo viên bộ môn tham gia hướng dẫn các lớp ở bậc trung học cơ sở cũng như trung học phổ thông.

Hệ thống giáo dục Phần Lan không sử dụng các bài kiểm tra chuẩn hóa từ bên ngoài nhà trường để thúc đẩy kết quả của trường học, cũng không sử dụng hệ thống giám sát nghiêm ngặt. Thay vì dựa vào kiểm tra, hệ thống giáo dục Phần Lan dựa vào chuyên môn và trách nhiệm của giáo viên – những người có kiến thức và tâm huyết với học sinh.

Tr thành mt giáo viên

Đối với người trẻ Phần Lan, giáo viên luôn luôn là nghề được ngưỡng mộ nhất trong các cuộc thăm dò ý kiến của học sinh tốt nghiệp trung học (Helsingin Sano-mat, 2004). Trở thành giáo viên tiểu học ở Phần Lan là một quá trình rất cạnh tranh, và chỉ có những cá nhân giỏi nhất và sáng giá nhất mới có thể thực hiện được ước mơ nghề nghiệp này. Mỗi mùa xuân, hàng ngàn học sinh tốt nghiệp trung học nộp đơn vào khoa đào tạo giáo viên ở tám trường đại học Phần Lan. Thông thường, chỉ hoàn thành bậc trung học và vượt qua kỳ thi tuyển sinh gắt gao là không đủ mà thí sinh muốn thành công còn phải đạt điểm cao nhất và có kỹ năng giao tiếp xuất sắc. Một minh chứng là hàng năm chỉ có khoảng 1 trong 10 thí sinh sẽ được nhận vào học để trở thành giáo viên ở các trường tiểu học của Phần Lan. Trong tất cả các ngành đào tạo giáo viên, chỉ có khoảng 5.000 thí sinh được lựa chọn trong khoảng 20.000 thí sinh.

Có hai giai đoạn trong quy trình tuyển chọn sinh viên ngành giáo dục tiểu học: Thứ nhất, một số thí sinh được lựa chọn dựa trên kết quả thi tuyển sinh, bằng tốt nghiệp trung học của trường, và hồ sơ liên quan đến thành tích hoạt động ngoại khoá. Trong giai đoạn 2:

  1. Các thí sinh hoàn thành kỳ thi viết liên quan đến những cuốn sách về sư phạm được quy định.
  2. Các thí sinh tham gia vào một tình huống mô phỏng tình huống trong trường học, nơi mà kỹ năng tương tác và kỹ năng giao tiếp được thể hiện.
  3. Các thí sinh trong nhóm có điểm cao được phỏng vấn và yêu cầu giải thích lý do tại sao họ lại quyết định trở thành giáo viên. Những ứng cử viên có năng lực cao này sẽ hoàn thành một chương trình đào tạo giáo viên nghiêm ngặt với chi phí được tài trợ bởi chính phủ.

Cho đến giữa những năm 1970, đội ngũ giáo viên tiểu học được đào tạo trong các trường cao đẳng sư phạm. Các giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông thì học tại các khoa chuyên ngành của các trường đại học Phần Lan. Vào cuối những năm 1970, tất cả các chương trình đào tạo giáo viên đều trực thuộc các trường đại học. Đồng thời, nội dung khoa học và các phương pháp nghiên cứu giáo dục bắt đầu làm phong phú thêm cho chương trình đào tạo giáo viên. Đào tạo giáo viên hiện nay nhấn mạnh vào nghiên cứu, có nghĩa là nó phải được hỗ trợ bởi kiến ​​thức khoa học cũng như việc tập trung vào quá trình tư duy và kỹ năng nhận thức được sử dụng trong việc thực hiện các nghiên cứu (Jakku-Sihvonen & Niemi, 2006). Yêu cầu đầu vào để trở thành một giáo viên cơ hữu trong tất cả các trường trung tiểu học của Phần Lan hiện nay là bằng thạc sĩ. Giáo viên mầm non phải có bằng cử nhân.

Tiền lương không phải là lý do chính khiến những người trẻ muốn trở thành giáo viên ở Phần Lan. Thu nhập của giáo viên gần bằng mức lương trung bình của quốc gia, đáng chú ý là nó tương đương với mức lương giáo viên trung học trung học có thâm niên nhận được hàng năm ở các nước OECD - khoảng 38.500 đô la Mỹ (OECD, 2008). Quan trọng hơn mức lương là những yếu tố khác như uy tín xã hội cao, tự chủ nghề nghiệp trong trường học và đặc tính của nghề giáo như một nghề phục vụ cho xã hội và lợi ích chung. Do đó, những người trẻ Phần Lan xem nghề giáo ngang tầm với những ngành nghề khác mà mọi người có thể làm việc độc lập và dựa vào kiến ​​thức cũng như kỹ năng khoa học mà họ đạt được từ trường đại học.

Đào to giáo viên cho các trường trong xã hi tri thc

Các chỉ số quốc tế cho thấy Phần Lan là một trong những xã hội tri thức tiên tiến nhất (Sahlberg, 2007). Trường học đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Phần Lan từ một quốc gia công nông nghiệp truyền thống sang nền kinh tế tri thức và cải tiến. Điều này sẽ không thành hiện thực nếu như không có sự cải tiến đáng kể trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên.

Tiêu chun cao trên quy mô quc gia

Tất cả giáo viên đều có bằng thạc sĩ. Giáo viên tiểu học có chuyên môn về giáo dục trong khi giáo viên bộ môn ở các cấp cao hơn tập trung nghiên cứu một môn học cụ thể, ví dụ như toán học, cũng như giáo pháp học liên quan đến bộ môn mà họ giảng dạy. Không có cách nào khác để nhận được chứng chỉ hành nghề giáo viên ở Phần Lan: chính bằng đại học tạo thành giấy phép giảng dạy.

Đào tạo giáo viên ở Phần Lan hướng đến việc phát triển cân bằng cả năng lực cá nhân và năng lực chuyên môn của giáo viên. Sự tập trung vào việc xây dựng các kỹ năng tư duy sư phạm cho phép giáo viên quản lý quá trình giảng dạy phù hợp với kiến ​​thức và thực tiễn giáo dục hiện đại (Westbury và cộng sự, 2005). Sinh viên ngành giáo dục tiểu học phải học ba lĩnh vực chính: (1) lý thuyết giáo dục, (2) kiến ​​thức về nội dung sư phạm và (3) giáo pháp học và thực tập. Mỗi sinh viên phải hoàn thành một luận văn thạc sĩ. Những giáo viên tiểu học tương lai này thường hoàn thành các luận văn thuộc lĩnh vực giáo dục. Các giáo viên trung học thì thường chọn một chủ đề liên quan đến môn học mà họ sẽ giảng dạy. Mức độ yêu cầu về mặt học thuật trong đào tạo giáo viên là như nhau đối với tất cả giáo viên, từ tiểu học đến trung học.

Việc đào tạo giáo viên của Phần Lan phù hợp với những cơ chế của “Chương trình Giáo dục Đại học Châu Âu” (the European Higher Education Area) (2009) đang được phát triển trong khi tiến trình Bologna đang diễn ra. Hiện nay, các trường đại học Phần Lan cung cấp một chương trình với hai cấp độ. Chương trình cử nhân ba năm bắt buộc được theo sau bởi một chương trình thạc sĩ hai năm. Hai loại bằng cấp này được cung cấp trong các chương trình đa ngành bao gồm việc học tập ít nhất hai môn học. Việc học tập được lượng hoá bằng các tín chỉ theo Hệ thống Tích luỹ và Chuyển đổi Tín chỉ Châu Âu (ECTS) được sử dụng tại 46 quốc gia Châu Âu. ECTS dựa trên giả định rằng 60 tín chỉ đo lường khối lượng công việc của một sinh viên chính quy trong một năm học, và mỗi tín chỉ ECTS tương ứng với 25 đến 30 giờ học tập. Yêu cầu đối với đào tạo giáo viên là 180 tín chỉ ECTS cho bằng cử nhân, tiếp đến là 120 tín chỉ ECTS cho bằng thạc sĩ. Việc hoàn thành thành công chương trình thạc sĩ về giảng dạy (bao gồm cả bằng cử nhân) thường mất từ ​​5 đến 7 năm rưỡi (Bộ Giáo dục, 2007).

Chun b tt v chuyên môn và sư phm

Một chương trình giảng dạy hướng đến sự toàn diện đảm bảo rằng đội ngũ giáo viên Phần Lan tương lai sẽ có sự cân bằng về kiến ​​thức và kỹ năng trong cả lý thuyết và thực hành. Điều này cũng có nghĩa là các giáo viên tương lai có kiến ​​thức chuyên sâu về giáo dục từ nhiều góc độ, bao gồm tâm lý học và xã hội học giáo dục, lý thuyết về chương trình học, đánh giá, giáo dục theo nhu cầu đặc biệt và kiến ​​thức sư phạm về các môn học đã chọn. Tất cả tám trường đại học đều có chiến lược và chương trình đào tạo giáo viên riêng và chúng được điều phối thống nhất toàn quốc để đảm bảo tính gắn kết. Tuy nhiên, chúng lại được tạo ra với sự xem xét những yếu tố của địa phương để tận dụng tốt nhất nguồn lực của trường đại học và các nguồn lực gần đó.

Như một quy định chung, đào tạo giáo viên tiểu học bao gồm 60 tín chỉ ECTS cho các môn sư phạm và ít nhất 60 tín chỉ ECTS cho các khóa học khác trong khoa học giáo dục. Luận văn thạc sĩ đòi hỏi sự nghiên cứu độc lập, việc tham gia các hội thảo khoa học và bảo vệ luận văn. Số tín chỉ phổ biến dành cho công trình nghiên cứu này ở tất cả các trường đại học là 40 ECTS. Chương trình đào tạo giáo viên mới ở Phần Lan đòi hỏi các ứng viên muốn trở thành giáo viên tiểu học hoàn thành một chuyên ngành về khoa học giáo dục và tổng cộng 60 tín chỉ ECTS trong các môn học được liệt kê trong Chương trình khung Quốc gia dành cho giáo dục cơ bản.

Đào tạo giáo viên bộ môn cũng theo các nguyên tắc dành cho đào tạo giáo viên tiểu học nhưng được sắp xếp khác nhau. Một giáo viên bộ môn tương lai sẽ có chuyên ngành là bộ môn mà họ sẽ giảng dạy (ví dụ: toán học hoặc âm nhạc). Sinh viên thường yêu cầu phải có 90 tín chỉ ECTS cho những môn học nâng cao liên quan đến bộ môn này. Ngoài ra, 60 tín chỉ ECTS cũng được yêu cầu trong một môn học thứ hai được giảng dạy tại trường trung học. Cơ bản là khoa đào tạo giáo viên hợp tác với các khoa khác tổ chức các khóa học về nghiệp vụ sư phạm và những khoa này cũng có trách nhiệm đào tạo giáo viên cho sinh viên của mình. Các khoa chuyên về một môn học thuật – nơi có vai trò quan trọng trong việc đào tạo giáo viên ở Phần Lan - cấp bằng thạc sĩ cho giáo viên bộ môn.

Có hai cách chính để trở thành giáo viên bộ môn. Hầu hết sinh viên trước tiên sẽ hoàn thành bằng thạc sĩ với chuyên ngành là bộ môn chính mà mình sẽ giảng dạy và một hoặc hai môn phụ. Sau đó, sinh viên nộp đơn vào khoa đào tạo giáo viên để học các môn học tập trung. Một năm học (60 tín chỉ ECTS) được dành cho việc nghiên cứu về sư phạm, tập trung vào các chiến lược giảng dạy các môn học cụ thể. Một cách khác để trở thành giáo viên bộ môn là nộp đơn trực tiếp vào khoa đào tạo giáo viên cùng thời điểm nộp đơn vào khoa đào tạo môn chuyên ngành. Thông thường, sau năm học thứ hai của môn chuyên ngành, sinh viên bắt đầu học về sư phạm ở khoa đào tạo giáo viên. Chương trình học của lựa chọn thứ hai này giống hệt chương trình của cách thứ nhất, chỉ có sự khác biệt giữa bậc cử nhân và thạc sĩ, thông thường kéo dài trong bốn học kỳ như được mô tả trong ví dụ về chương trình đào tạo của Đại học Helsinki ở Bảng 1.

Bảng 1. Cấu trúc chương trình đào tạo giáo viên bộ môn tại Trường đại học Helsinki

Bậc cử nhân (25 tín chỉECTS)

Bậc thạc sĩ (35 tín chỉ ECTS)

Hc kỳ 1 (18 tín ch)

·      Tâm lý phát triển và học tập (4)

·      Giáo dục đặc biệt (4)

·      Nhập môn giáo pháp học[1] (10)

Hc kỳ 2 (7 tín ch)

·      Thực tập cơ bản tại trường thực hành (7)

·      Một phần của chương trình thạc sĩ

·      Phương pháp nghiên cứu (6)

Hc kỳ 3 (17 tín ch)

·      Nền tảng xã hội, lịch sử và tâm lý của giáo dục (5)

·      Đánh giá và phát triển giảng dạy (7)

·      Thực tập nâng cao tại trường thực hành hoặc trường phổ thông khác[2] (5)

Hc kỳ 4 (12 tín ch) Toạ đàm nghiên cứu (4)

·      Thực tập cuối kỳ tại trường thực hành hoặc trường phổ thông khác (8)

Chương trình học trong các khoa đào tạo giáo viên của Phần Lan được sắp xếp để giới thiệu các nguyên lý sư phạm mà các giáo viên tương lai được mong đợi sẽ thực hành trong lớp học của mình. Mặc dù mỗi giảng viên đại học có đầy đủ quyền tự chủ về sư phạm, nhưng mỗi khoa đào tạo giáo viên ở Phần Lan vẫn có một chiến lược ràng buộc chi tiết và thường xuyên để nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo giáo viên. Ví dụ như phương pháp sư phạm dành cho một môn học và nghiên cứu về nó trong giáo dục khoa học nằm ở mức nâng cao trong các trường đại học Phần Lan. Các chiến lược về học tập hợp tác và dựa trên vấn đề, thực tế đối chiếu và giáo dục dưới sự hỗ trợ của máy tính được phổ biến ở tất cả các trường đại học Phần Lan. Một hệ thống đánh giá giáo dục đại học Phần Lan với việc khen thưởng cho các hoạt động giảng dạy hiệu quả và đổi mới đã đóng vai trò như một lực đẩy quan trọng cho sự phát triển tích cực này.

 

Tích hp lý thuyết, nghiên cu và thc hành

Sự đầu tư của Phần Lan vào việc đào tạo giáo viên dựa trên nghiên cứu có nghĩa là các lý thuyết giáo dục, phương pháp nghiên cứu và thực hành đều đóng vai trò quan trọng trong các chương trình đào tạo giáo viên. Chương trình đào tạo giáo viên được thiết kế theo cách tạo ra một con đường có hệ thống từ nền tảng của tư duy giáo dục đến các phương pháp nghiên cứu giáo dục và sau đó là các vấn đề nâng cao trong khoa học giáo dục. Mỗi sinh viên từ đó hình thành một sự hiểu biết về bản chất có hệ thống và liên ngành của thực tế giáo dục. Sinh viên Phần Lan cũng học được các kỹ năng thiết kế, thực hiện và trình bày các nghiên cứu của mình về các khía cạnh thực tiễn hay lý thuyết của giáo dục. Một yếu tố quan trọng khác trong đào tạo giáo viên của Phần Lan là thực tập tại các trường học, đây là một thành phần quan trọng của chương trình giảng dạy, kết hợp với nghiên cứu và lý thuyết.

Thực tập được tích hợp vào cả nghiên cứu lý thuyết và giáo pháp học. Trong chương trình năm năm, sinh viên đi từ thực hành cơ bản đến thực hành nâng cao và sau đó là thực hành cuối khoá. Trong mỗi giai đoạn này, sinh viên sẽ theo dõi bài giảng của các giáo viên có kinh nghiệm, thực hành giảng dạy dưới sự theo dõi của giáo viên giám sát và đưa ra các bài học độc lập cho các nhóm học sinh khác nhau và những quá trình này được đánh giá bởi các giáo viên giám sát cũng như các giáo sư và giảng viên của khoa đào tạo giáo viên.

Có hai dạng thực tập chính trong các chương trình đào tạo giáo viên ở Phần Lan. Dạng đầu tiên – một phần phụ của thực tập – diễn ra trong các cuộc hội thảo và các buổi học nhóm nhỏ trong khoa đào tạo giáo viên, nơi sinh viên thực hành kỹ năng giảng dạy cơ bản trước các sinh viên cùng lớp. Dạng thứ hai là thực hành giảng dạy chính ở các trường thực hành giáo viên đặc biệt được quản lý bởi các trường đại học, có các chương trình và thực tế tương tự như các trường công lập thông thường. Một số sinh viên sư phạm cũng thực hành trong một mạng lưới các trường dành cho thực tập được chọn lọc. Các sinh viên ngành giáo dục tiểu học dành khoảng 15 phần trăm thời gian học dự kiến ​​(khoảng 40 tín chỉ ECTS) để thực hành giảng dạy ở trường. Đối với giáo viên bộ môn thì thực hành giảng dạy bao gồm khoảng một phần ba của chương trình học.

Mặc dù các trường thực hành giáo viên tạo nên phần lớn mạng lưới những đơn vị mà sinh viên Phần Lan hoàn thành việc thực tập, một số trường công lập thông thường (được gọi là trường thực hành tỉnh/thành phố) cũng phục vụ cùng một mục đích. (Xem hình 1 bên dưới). Các trường thực hành giáo viên có yêu cầu cao hơn về trình độ nghề nghiệp của giáo viên và nhân viên, và giáo viên giám sát phải chứng minh rằng họ có năng lực làm việc với sinh viên thực tập. Các trường thực hành giáo viên cũng đòi hỏi ​​sự theo đuổi việc nghiên cứu và phát triển với sự hợp tác của khoa đào tạo giáo viên và đôi khi với các khoa khoa học khác cũng có các chức năng đào tạo giáo viên tại các trường đại học. Do đó, các trường này có thể giới thiệu các bài dạy mẫu và chia sẻ những vấn đề về thiết kế chương trình học khác nhau với sinh viên sư phạm. Các trường này cũng có các giáo viên giám sát được chuẩn bị tốt về kỹ năng và kiến thức cũng như những chiến lược đánh giá và phát triển chuyên môn của giáo viên.

 

Hc tp và phát trin chuyên môn

Các giáo viên Phần Lan có bằng thạc sĩ có quyền tham gia vào khoá học sau thạc sĩ để phục vụ sự phát triển chuyên môn của họ. Nhiều giáo viên tận dụng cơ hội này để theo đuổi chương trình tiến sĩ về giáo dục trong khi vẫn cùng lúc thực hiện việc giảng dạy. Đối với chương trình tiến sĩ giáo dục, người học phải hoàn thành các khoá học nâng cao về khoa học giáo dục. Điều này có nghĩa là giáo viên bộ môn sẽ phải thay đổi hướng nghiên cứu ban đầu của họ ví dụ như hóa học, sang giáo dục, để họ không chỉ am tường môn học mà mình giảng dạy mà còn biết làm thế nào để nội dung môn học có thể được giảng dạy tốt hơn.

Mặc dù đào tạo giáo viên của Phần Lan được đánh giá là có cấu trúc chương trình có hệ thống và chất lượng tổng thể cao (Jussila & Saari, 2000), các chương trình phát triển chuyên môn và tập huấn giáo viên có nhiều sự khác biệt. Ở Phần Lan, việc giới thiệu giáo viên mới lần đầu tiên giảng dạy ít đồng nhất hơn so với giai đoạn chuẩn bị trước đó. Mỗi trường và địa phương tự quyết định cách hỗ trợ những giáo viên mới được tuyển dụng. Một số trường học, trong khuôn khổ sứ mệnh của họ, đã áp dụng các thủ tục tiên tiến và các hệ thống hỗ trợ cho các giáo viên mới, trong khi các trường khác đơn giản chỉ mời chào những người mới và giới thiệu những lớp mà họ sẽ giảng dạy. Đối với một số trường, việc giới thiệu là trách nhiệm cụ thể của hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng, trong khi ở những trường khác, trách nhiệm này có thể được chỉ định cho các giáo viên có kinh nghiệm. Việc giới thiệu giáo viên mới tại trường ở Phần Lan đòi hỏi những sự cải tiến thêm nữa, như đã được chỉ ra trong một Báo cáo của Hội đồng Châu Âu gần đây (2004).

Những lo lắng nảy sinh gần đây liên quan đến sự việc bồi dưỡng chuyên môn. Chính quyền tỉnh/thành phố – cơ quan giám sát các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông chịu trách nhiệm cung cấp cho giáo viên những cơ hội học tập theo nhu cầu của họ. Trong khi một số tỉnh thành tổ chức chương trình tập huấn đồng nhất cho tất cả giáo viên, một số nơi khác lại dựa vào nhu cầu của từng giáo viên và hiệu trưởng để quyết định xem mức độ và loại hình phát triển chuyên môn nào là cần thiết và liệu những khoá học này có được tài trợ hay không. Mặc dù các trường đều được hỗ trợ tài chính đồng đều nhưng chính quyền trung ương có ảnh hưởng khá hạn chế lên những quyết định về ngân sách được đưa ra bởi chính quyền địa phương hay các trường. Vì vậy, một số trường nhận được sự phân bổ ngân sách nhiều hơn so với các trường khác cho việc phát triển chuyên môn và trường học, đặc biệt ở những nơi mà trong suốt thời gian khủng hoảng kinh tế, ngân sách phát triển chuyên môn là yếu tố đầu tiên bị cắt giảm.

Nhiệm vụ hàng năm của giáo viên bao gồm ba ngày dành cho việc lập kế hoạch và phát triển chuyên môn. Theo một khảo sát toàn quốc của Phần Lan, giáo viên dành trung bình 7 ngày làm việc mỗi năm để phát triển chuyên môn trong năm 2007; khoảng một nửa được rút ra từ quỹ thời gian cá nhân của giáo viên. Khoảng hai phần ba giáo viên tiểu học và trung học tham gia vào sự phát triển chuyên môn vào năm đó (Kumpulainen, 2007).

Để giải quyết những lo ngại rằng việc tham gia vào hoạt động phát triển chuyên môn có thể giảm (Bộ Giáo dục, 2009), chính phủ đang lên kế hoạch tăng đáng kể ngân sách phát triển chuyên môn và xem xét các cách để yêu cầu tất cả giáo viên phải có được cơ hội ngang bằng về bồi dưỡng chuyên môn được tài trợ bởi chính quyền tỉnh/thành. Ngân sách nhà nước mỗi năm dành 30 triệu cho việc phát triển chuyên môn của giáo viên và hiệu trưởng thông qua các hình thức đa dạng của giáo dục dự bị đại học và giáo dục trọn đời. Chính phủ xác định trọng tâm của việc bồi dưỡng dựa trên nhu cầu phát triển giáo dục quốc gia hiện nay và hoạt động bồi dưỡng được hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ trên cơ sở cạnh tranh. Bộ Giáo dục Phần Lan (năm 2009), phối hợp với các tỉnh thành, có kế hoạch tăng gấp đôi ngân sách cho việc phát triển chuyên môn của giáo viên vào năm 2016.

Công c ca giáo viên: Chương trình ging dy và đánh giá

Kể từ khi đào tạo giáo viên trở thành một phần của các chương trình giáo dục đại học trong những năm 1970, danh tính và địa vị của giáo viên Phần Lan đã tăng dần. Trong quá trình cải cách giáo dục của Phần Lan, giáo viên đã yêu cầu có thêm sự tự chủ và trách nhiệm về việc đánh giá chương trình học và học sinh (Aho và cộng sự, 2006). Thầm quyền và sự tự chủ mà giáo viên ở Phần Lan có được là một yếu tố quan trọng trong việc giải thích tại sao rất nhiều người trẻ tại quốc gia này coi nghề giáo là một trong những công việc ao ước nhất cho nghề nghiệp tương lai của họ.

Trong khi khung chương trình giảng dạy quốc gia cho các bậc học bắt buộc và các tài liệu tương tự cho giáo dục trung học phổ thông cung cấp những hướng dẫn cho giáo viên, việc triển khai chương trình giảng dạy này lại là trách nhiệm của các trường học và tỉnh thành. Chương trình giảng dạy cấp trường được các cơ quan giáo dục địa phương phê duyệt và giáo viên cũng như hiệu trưởng đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết kế chương trình. Chính những chương trình đào tạo giáo viên đã cung cấp cho người học kiến ​​thức về phát triển chương trình hiệu quả và kỹ năng lập kế hoạch. Hơn nữa, tầm quan trọng của việc thiết kế chương trình giảng dạy trong giai đoạn thực tập của sinh viên sư phạm đã giúp thay đổi sự phát triển chuyên môn từ việc bồi dưỡng không hệ thống sang những nỗ lực cải tiến toàn trường một cách có hệ thống và căn cứ khoa học.

Cùng với việc thiết kế chương trình học, giáo viên đóng một vai trò quan trọng trong việc đánh giá học sinh. Các trường học Phần Lan không sử dụng các bài kiểm tra chuẩn hoá để đánh giá thành tích của học sinh. Có ba lý do chính cho việc này. Thứ nhất, trong khi thực tế đánh giá căn cứ vào chương trình quốc gia, chính sách giáo dục ở Phần Lan lại dành nhiều ưu tiên cho giáo dục cá nhân và sự sáng tạo như một phần quan trọng của cách thức hoạt động của các trường học. Vì vậy, sự tiến bộ của mỗi học sinh chủ yếu được đánh giá dựa trên sự tiến bộ và khả năng của từng cá nhân đó thay vì dựa trên các chỉ số thống kê. Thứ hai, các nhà phát triển giáo dục nhấn mạnh rằng chương trình học, việc giảng dạy và học tập nên thúc đẩy thực tế giảng dạy của giáo viên tại trường thay vì kiểm tra. Đánh giá học sinh ở các trường học Phần Lan được gắn liền trong quá trình giảng dạy và học tập và hoạt động này là nhằm cải thiện công việc của giáo viên và học sinh trong suốt năm học. Thứ ba, việc đánh giá thành tích học tập của học sinh ở Phần Lan được coi là một trách nhiệm của nhà trường, không phải là của những chuyên gia đánh giá bên ngoài. Các trường học Phần Lan chấp nhận thực tế rằng có thể tồn tại một số hạn chế về tính so sánh khi giáo viên làm tất cả các công việc xếp loại học sinh. Đồng thời, người Phần Lan tin rằng các vấn đề phát sinh liên quan đến việc sử dụng các bài kiểm tra chuẩn hoá bên ngoài như cắt giảm chương trình, giảng dạy chỉ để kiểm tra và cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường còn nghiêm trọng hơn những hạn chế về tính so sánh. Chính vì giáo viên Phần Lan phải đảm nhận việc thiết kế chương trình học và thực hiện những đánh giá dựa trên chương trình học phù hợp để ghi lại tiến bộ của học sinh nên việc đánh giá lớp học và đánh giá tuỳ vào bối cảnh từng trường học là những phần quan trọng trong đào tạo giáo viên và phát triển chuyên môn.

Mặc dù công việc chính của giáo viên Phần Lan bao gồm việc giảng dạy trên lớp, họ cũng có nhiều nhiệm vụ bên ngoài lớp học. Chính thức, thời gian làm việc của giáo viên ở Phần Lan bao gồm việc giảng dạy trên lớp, chuẩn bị cho lớp học và hai giờ một tuần để lên kế hoạch cho hoạt động của trường với các đồng nghiệp. So sánh ở mức độ quốc tế, giáo viên Phần Lan dành ít thời gian cho giảng dạy hơn là giáo viên ở nhiều quốc gia khác. Ví dụ, một giáo viên trung học điển hình ở Phần Lan chỉ dạy ít hơn 600 giờ mỗi năm, tương ứng với khoảng bốn bài học 45 phút một ngày. Trái lại ở Hoa Kỳ một giáo viên cùng cấp dành 1.080 giờ để giảng dạy cho hơn 180 ngày học như trong hình 2 (OECD, 2008). Điều này có nghĩa là một giáo viên trung học tại Hoa Kỳ, trung bình, dành gấp đôi thời gian để giảng dạy trên lớp so với đồng nghiệp của mình ở Phần Lan.

 

Tuy nhiên, điều này không ngụ ý rằng giáo viên ở Phần Lan làm việc ít hơn những nơi khác. Một phần quan trọng và lại mang tính tự nguyện trong công việc của giáo viên Phần Lan là việc dành thời gian cho cải tiến thực trạng lớp học, toàn bộ trường học và làm việc với cộng đồng. Chính vì giáo viên Phần Lan phải chịu trách nhiệm đáng kể về chương trình học và đánh giá cũng như thử nghiệm và cải tiến các phương pháp giảng dạy nên một số khía cạnh quan trọng nhất trong công việc của họ được thực hiện bên ngoài lớp học.

Các vn đ chính sách trong tương lai Phn Lan

Phần Lan cải thiện trường học và các chương trình đào tạo giáo viên thông qua đánh giá và rà soát liên tục. Trong năm 2007, Bộ Giáo dục xác định những vấn đề quan trọng cần phải giải quyết bao gồm:

  1. Ứng phó với xã hội đang thay đổi. Việc giảm dân số và những người nghỉ hưu đang tăng lên tạo ra một thách thức trong việc chuẩn bị đủ giáo viên cho tương lai. Trong khi đó, các trường học của Phần Lan phải đáp ứng được ngày càng nhiều sinh viên nhập cư và sinh viên có nhu cầu đặc biệt. Đào tạo giáo viên phải liên tục cập nhật để chuẩn bị cho các nhà giáo dục làm việc trong một thế giới xã hội và văn hoá không ngừng biến đổi.
  2. Cung cấp cơ hội phát triển chuyên môn một cách có hệ thống cho tất cả giáo viên. Đào tạo giáo viên và phát triển chuyên môn cho giáo viên nên được thực hiện một cách liên tục và mạnh mẽ hơn, với những hỗ trợ dành cho tất cả giáo viên và được xem như là một phần của việc học tập trọn đời. Các tỉnh thành cần phải đảm bảo rằng mỗi giáo viên đều có cơ hội phát triển chuyên môn phù hợp.
  3. Tạo chiến lược đào tạo giáo viên cho từng trường đại học. Mỗi trường đại học cung cấp chương trình đào tạo giáo viên phải có một chiến lược đào tạo giáo viên được cập nhật và toàn diện, có sự phối hợp giữa các đơn vị khác nhau trong trường đại học và đảm bảo sự trao đổi giữa các trường. Các chiến lược này cũng nên đặt trọng tâm vào việc nâng cao vai trò của nhà trường trong việc bồi dưỡng và phát triển chuyên môn cho giáo viên.
  4. Tăng cường nghiên cứu về đào tạo giáo viên. Nghiên cứu về đào tạo giáo viên cần được tăng cường thông qua một chương trình nghiên cứu quốc gia tốt hơn, có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bên bao gồm việc tiến hành những nghiên cứu về đào tạo giáo viên hiệu quả.

Bài hc t thành công ca Phn Lan

Không có một yếu tố đơn lẻ nào có thể giải thích được những thành tựu giáo dục nổi bật của Phần Lan. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích nhận thấy rằng đội ngũ giáo viên xuất sắc đóng một vai trò quan trọng. Trong số những thực tiễn thành công, điều mà chúng ta có thể học hỏi từ Phần Lan là:

Sự phát triển của các chương trình đào tạo giáo viên sâu sắc, nhấn mạnh nghiên cứu nhằm chuẩn bị cho giáo viên về nội dung, sư phạm và lý thuyết giáo dục cũng như khả năng tự nghiên cứu và bao gồm cả các nghiên cứu thực địa được hướng dẫn bởi các chuyên gia về hưu;

Sự hỗ trợ tài chính đáng kể cho đào tạo giáo viên, phát triển chuyên môn, mức lương hợp lý và công bằng và điều kiện làm việc nhận được nhiều sự hỗ trợ;

Việc tạo ra một nghề được tôn trọng mà ở đó giáo viên có thẩm quyền và quyền tự chủ đáng kể, bao gồm trách nhiệm thiết kế chương trình học và đánh giá học sinh, những hoạt động đòi hỏi việc phân tích và sàng lọc liên tục.

Khả năng của giáo viên khi giảng dạy trên lớp và hợp tác trong các tố chức chuyên môn đã được xây dựng một cách có hệ thống thông qua chương trình đào tạo giáo viên. Thêm vào đó, điều kiện tiên quyết để thu hút những người trẻ tuổi có khả năng giảng dạy đó chính sự độc lập và được tôn trọng của nghề giáo chứ không chỉ là việc thực hiện máy móc các tiêu chuẩn và kiểm tra bắt buộc từ bên ngoài. Năng lực xuất sắc và sự trang bị tốt những kỹ năng và kiến thức của giáo viên tạo ra điều kiện tiên quyết cho sự tự chủ chuyên môn – điều làm cho nghề giáo được xem như một nghề cao quý.

 

Tài liu tham kho

Aho, E., Pitkänen, K. & Sahlberg, P. (2006). Policy development and reform principles of basic and secondary education in Finland since 1968. Washington, DC: World Bank.

European Commission (2004). Common European prin- ciples for teacher competences and qualifications. Brus- sels: Directorate-General for Education and Culture. Available at: http://www.see-educoop.net/education_in/ pdf/01-en_principles_en.pdf.

European Higher Education Area (2009). Bologna Pro- cess. Vienna: Austrian Federal Ministry of Science and Research. Available at: http://www.ond.vlaanderen.be/ hogeronderwijs/bologna/documents/Bologna_booklet. pdf.

Helsingin Sanomat (2004). Ykkössuosikki: Opettajan am- matti [Top favorite: Teaching profession]. February 11, 2004.

Jakku-Sihvonen, R. & Niemi, H. (Eds.) (2006). Research- based teacher education in Finland: Reflections by Finnish teacher educators. Research Report 25. Turku: Finnish Educational Research Association.

Jussila, J. & Saari, S. (Eds.) (2000). Teacher education as a future-molding factor: International evaluation of teacher education in Finnish universities. Helsinki: Higher Educa- tion Evaluation Council. Available at: http://www.kka. fi/?l=en&s=4.

Kumpulainen, T. (Ed.) (2008). Opettajat Suomessa 2008 [Teachers in Finland 2008]. Helsinki: Opetushallitus.

Ministry of Education (2007). Opettajankoulutus 2020 [Teacher education 2020]. Committee Report 2007:44. Helsinki: Ministry of Education.

Ministry of Education (2009). Ensuring professional compe- tence and improving opportunities for continuing educa- tion in education. Committee Report 2009:16. Helsinki: Ministry of Education.

OAJ (2008). Teacher education in Finland. Helsinki: The trade union of education in Finland. Available in the In- ternet at: http://www.oaj.fi/pls/portal/docs/page/oaj_inter net/01fi/05tiedotteet/03julkaisut/opekoulutuseng.pdf.

OECD (2008). Education at a glance. Education indicators. Paris: OECD.

Sahlberg, P. (2007). Education policies for raising student learning: The Finnish approach. Journal of Education Policy, 22(2), 147-171.

Statistics Finland (2010). Education. Retrieved September 4, 2010 from http://www.stat.fi/til/kou_en.html.

Westbury, I., Hansen, S-E., Kansanen, P. & Björkvist, O. (2005). Teacher education for research-based practice in expanded roles: Finland’s experience. Scandinavian Journal of Educational Research, 49(5), 475-485.

Välijärvi, J. & Sahlberg, P. (2008). Should a ‘failing’ student repeat a grade? Retrospective response from Finland. Journal of Educational Change, 9(4), 385-389.