Thực trạng và khả năng đáp ứng của giáo viên, học sinh và nhà trường khi triển khai dạy học tích hợp môn khoa học tự nhiên - ThS.Nguyễn Thị Thu Ba

1. Đặt vấn đề

Dạy học tích hợp là một trong những xu hướng dạy học tất yếu và phù hợp với định hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học.

Theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì cấp trung học cơ sở thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp trong đó có môn khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở. Nội dung chủ yếu của môn học là tích hợp chủ yếu các lĩnh vực kiến thức về Vật lý, Hoá học, Sinh học…. Cấu trúc nội dung môn Khoa học Tự nhiên ở cấp trung học cơ sở gồm các chủ đề phân môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Khoa học trái đất đồng thời có thêm một số chủ đề liên phân môn được sắp xếp sao cho vừa bảo đảm liên hệ theo logic tuyến tính vừa tích hợp đồng tâm, hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên.

Hiện nay, các trường THCS vẫn đang triển khai dạy các môn khoa học tự nhiên riêng lẻ, việc tích hợp chỉ dừng lại ở mức độ lồng ghép. Việc triển khai dạy môn tích hợp khoa học tự nhiên (KHTN) đang là một bài toán khó cho các trường. Chúng tôi tiến hành khảo sát nhằm tìm hiểu thực trạng và khả năng đáp ứng của giáo viên (GV), học sinh (HS), cơ sở vật chất (CSVC) về dạy học tích hợp liên môn khoa học tự nhiên tại các trường THCS vùng Đông Nam Bộ.

  1. Thực trạng và khả năng đáp ứng của giáo viên, học sinh và nhà trường khi triển khai dạy học tích hợp môn KHTN

Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát 77 giáo viên đang giảng dạy các môn khoa học tự nhiên tại các trường THCS trên địa bàn các tỉnh mang tính đại diện cho vùng Đông Nam Bộ bao gồm: Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh. Tổng số phiếu hỏi được phát ra cho giáo viên là 100 phiếu, thu về 77 phiếu trong đó có 77 phiếu hỏi hợp lệ.

Trong tổng số giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên được khảo sát, tỉ lệ giáo viên được đào tạo đơn môn có phần nhỉnh hơn. Tuy nhiên tỉ lệ giáo viên được đào tạo dạy hai môn trở lên cũng chiếm tỉ lệ khá lớn gần 50%. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để giáo viên dễ dàng thích ứng khi triển khai dạy môn tích hợp KHTN. Khảo sát về các môn học mà giáo viên có thể đảm trách chúng tôi thu được kết quả như bảng trên. Chỉ có 1 giáo viên tự tin dạy được ba môn Vật lý- Hóa học- Sinh học, 7,8% giáo viên dạy được 2 môn Lý - Hóa, 19,5% giáo viên có thể dạy được 2 môn Hóa - Sinh. Số còn lại chỉ có khả năng dạy đơn môn. Kết quả trên cho thấy rằng, lực lượng giáo viên chưa sẵn sàng để dạy kiến thức liên môn Lý - Hóa - Sinh.

        Khi được hỏi, Thầy,Cô đã từng phối hợp GV 3 môn Lý, Hoá, Sinh biên soạn và dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn, kết quả chúng tôi thu được như sau. 19,5% đã từng biên soạn chủ đề liên môn trong khi có đến 80,5% giáo viên chưa từng làm điều này. Trong số giáo viên đã từng biên soạn chủ đề liên môn thì giáo viên tại TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu chiếm tỉ lệ nhiều hơn Bình Phước.

Về năng lực dạy học tích hợp, tỉ lệ giáo viên tự đánh giá tốt nhất là năng lực đặt và giải quyết vấn đề (với tỉ lệ cộng dồn là 63,6%). Kế đến là năng lực kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh với tỉ lệ cộng dồn là 61%. Năng lực quan trọng trong dạy học tích hợp là năng lực chuyên môn sâu, kiến thức liên ngành rộng và năng lực thiết kế dạy học theo hướng tích hợp được giáo viên tự đánh giá tốt và rất tốt với tỉ lệ tương ứng là 54,6% và 50,7%.

Về khó khăn, theo giáo viên, khó khăn lớn nhất nằm ở học sinh. Tuy cho rằng học sinh có hứng thú trong việc vận dụng các kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiễn, nhưng 63,7% giáo viên đồng ý rằng HS còn thụ động trong học tập và trong các hoạt động trải nghiệm; 53,3% giáo viên cho rằng học sinh chưa quen với việc học tập tích hợp. Điều này cũng dễ hiểu, vì các em đã quen với cách học 3 môn khoa học tự nhiên riêng lẻ như trước đây. Nên để thay đổi phương pháp học mới cần có thời gian để làm quen và thích ứng. Khó khăn tiếp theo là sự hợp tác của giáo viên các phân môn với tỉ lệ đồng ý khá cao 62,4%. Giáo viên cũng cảm thấy khó khăn khi bản thân được đào tạo để dạy đơn môn nên khó dạy kiến thức của môn khác cũng chiếm tỉ lệ đồng ý gần 60%.

Mức độ đáp ứng của học sinh

Cả ba đối tượng GV, HS và CBQL đều đánh giá cao học sinh ở sự ham thích đối với môn KHTN (chiếm tỉ lệ 37,7% đối với GV, 43,2% đối với HS và 45,5% đối với CBQL).

Học sinh tự đánh giá mức độ đáp ứng tốt của học sinh về mức độ tham gia của học sinh trong việc nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiễn là 33,9% và khả năng tự học của học sinh là 33,5%. Tuy nhiên, giáo viên và CBQL không đánh giá cao học sinh ở các tiêu chí này. Tỉ lệ giáo viên phân vân cao hơn nhiều (gấp từ 3 - 6 lần) so tỉ lệ giáo viên đánh giá học sinh ở mức tốt. Giáo viên còn hoài nghi khả năng đáp ứng của học sinh khi triển khai dạy học tích hợp.

3. Mức độ đáp ứng của giáo viên

Tự đánh giá về mức độ đáp ứng của giáo viên, tỉ lệ cao nhất giáo viên đánh giá bản thân đạt được ở mức tốt và rất tốt là khả năng tự học, tự nghiên cứu và năng lực về kiểm tra đánh giá theo năng lực với tỉ lệ cộng dồn tương ứng là 64,9% và 63,2%. Trình độ chuyên môn về Toán, khoa học của GV Vật lý, Hóa học, Sinh học được giáo viên đánh giá tốt chiếm tỉ lệ 44,2%.

CBQL lại đánh giá “Trình độ chuyên môn về Toán, khoa học của GV Vật lý, Hóa học, Sinh học” có mức độ đáp ứng chiếm tỉ lệ cao nhất (45,5%) nhưng vẫn chưa đạt mức trung bình 50%. CBQL đánh giá mức độ đáp ứng của giáo viên ở mức tốt chiếm tỉ lệ thấp, đặc biệt là Sự hợp tác của giáo viên các đơn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, chỉ có 9,1% CBQL đánh giá giáo viên đáp ứng tốt.

4. Mức độ đáp ứng cơ sở vật chất

Đánh giá về mức độ đáp ứng về cơ sở vật chất của nhà trường, tiêu chí được cả ba đối tượng khảo sát đánh giá đáp ứng tốt trên 50% là “Có đầy đủ phòng học bộ môn Vật lý, Hoá học và Sinh học”, mức độ đáp ứng thấp nhất thuộc về “Hạ tầng CNTT, internet của trường’ chỉ 27,3% đáp ứng tốt. Do vậy, để triển khai dạy học tích hợp cần phải trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại cho các trường.

5. Kết luận

Qua khảo sát thực trạng triển khai dạy học tích hợp môn KHTN ở các trường THCS vùng Đông Nam Bộ, chúng tôi rút ra được một số kết luận sau:

Để triển khai dạy học tích hợp môn KHTN ở các trường THCS thì bên cạnh những thuận lợi như giáo viên được đào tạo đa môn chiếm tỉ lệ khá cao, khả năng tự học của giáo viên, sự quan tâm của nhà trường và các cấp lãnh đạo, thì còn tồn tại một số khó khăn. Theo giáo viên, khó khăn lớn nhất nằm ở học sinh. HS còn thụ động trong học tập và trong các hoạt động trải nghiệm do đó khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ gặp phải rào cản nhất định trong việc tiếp nhận. Một khó khăn đáng kể là giáo viên chưa tự tin dạy học tích hợp môn KHTN và sự hợp tác của giáo viên các phân môn chưa chặt chẽ và hiệu quả.

Để triển khai dạy học tích hợp môn KHTN thì giáo viên được đánh giá chưa đáp ứng tốt về kiến thức liên ngành và chưa tự tin để dạy tích hợp liên môn. Tuy nhiên giáo viên đáp ứng tốt về khả năng tự học, do vậy với đội ngũ này nếu được bồi dưỡng sẽ nâng cao được năng lực liên ngành đáp ứng dạy học tích hợp. Về mức độ đáp ứng của học sinh khi triển khai dạy học tích hợp, giáo viên và CBQL không đánh giá cao học sinh ở khả năng tự học và vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn. Cơ sở vật chất hiện nay cũng chưa đáp ứng được việc dạy học tích hợp môn KHTN.

Do vậy cần có những giải pháp cơ bản, cần thiết nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên về dạy tích hợp môn KHTN, năng lực học tập tích hợp cho học sinh, tăng cường sự quản lý của các cấp BGH Trường, Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục và tăng cường cơ sở vật chất để việc triển khai giảng dạy môn KHTN tại các trường THCS sau năm 2019 đạt hiệu quả tốt nhất.