Đề xuất gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Kích hoạt thư viện, giáo viên được quyền chọn sách

Với việc đề xuất quay lại 1 bộ sách giáo khoa thống nhất, Ông Đào Tuấn Đạt, Chủ tịch hội đồng chuyên môn, Hệ thống GD Anhxtanh cho rằng, càng có nhiều sách giáo khoa càng có lợi cho người học chứ không nên quay lại 1 bộ sách giáo khoa thống nhất.

Liên quan đến những đề xuất của một giáo viên gửi đến tân Bộ trưởng Giáo dục - PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Thầy giáo, Ông Đào Tuấn Đạt, Chủ tịch hội đồng chuyên môn, Hệ thống GD Anhxtanh đã có những chia sẻ với phóng viên báo Tiền Phong.

Nhiều sách giáo khoa càng có lợi cho người dạy, người học

Chia sẻ với Tiền Phong, Ông Đào Tuấn Đạt, Chủ tịch hội đồng chuyên môn, Hệ thống GD Anhxtanh cho rằng, sách giáo khoa theo chương trình phổ thông mới 2018 đã được đưa vào giảng dạy cách đây một năm, và năm học tới (2021 – 2022) sẽ tiếp tục áp dụng cho lớp 2 và lớp 6. Theo ông Đạt, mặc dù đã qua một năm học nhưng vẫn còn nhiều ý kiến đề xuất, tranh luận rất cơ bản về sách giáo khoa. Chẳng hạn có nhiều bộ sách sẽ loạn, bậc tiểu học và THCS chỉ cần một bộ sách giáo khoa giảng dạy trên toàn quốc, bậc THPT có thể có nhiều bộ; Nhiều sách giáo khoa thì kiểm tra đánh giá thế nào; Sự “biến mất” của hai bộ sách (…) là sự việc đáng tiếc và nên tránh …

Ông Đạt cho rằng, sở dĩ như vậy vì chưa nắm rõ các thay đổi của sách giáo khoa mới, vẫn giữ cách nhìn truyền thống về sách giáo khoa. Sách giáo khoa truyền thống định hướng nội dung, nên đặt nặng tính khoa học, logic và toàn vẹn của kiến thức lên hàng đầu.

Sách giống như một phiên bản thu nhỏ các kiến thức đại cương ở đại học. Người giáo viên là người truyền thụ kiến thức, còn học sinh là người tiếp thu kiến thức có sẵn. Nếu nghĩ truyền thụ càng nhiều càng tốt, tiếp thu càng nhiều càng tốt sẽ dẫn tới chuyện nhồi nhét kiến thức; thầy đọc trò chép.

Cũng theo ông Đạt, sách giáo khoa mới định hướng phát triển năng lực, và là mô hình hoạt động. “Đầu ra” là năng lực của người học chứ không đơn thuần là tái hiện trong trí nhớ các kiến thức đã được học.

Ông Đạt cho rằng, thay vì ghi nhớ kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa qua việc thuyết trình của người thầy, sách giáo khoa mới đòi hỏi học sinh thông qua các “hoạt động học” để chiếm lĩnh tri thức, biến tri thức thực sự trở thành của mình. Kiến thức vẫn rất quan trọng, nhưng nó chỉ là một thành tố phục vụ cho việc hình thành năng lực của người học, chứ không phải là mục tiêu duy nhất của việc học.

“Các cuốn sách giáo khoa khác nhau sẽ đưa ra phương án cụ thể về các hoạt động học khác nhau, miễn sao đạt được yêu cầu của chương trình giáo dục. Càng có nhiều sách giáo khoa, càng có nhiều phương án để lựa chọn. Việc này có lợi cho cả người dạy và người học”- ông Đạt nêu quan điểm.

Ông Đạt cho rằng, chuyện biến mất một vài cuốn sách giáo khoa chỉ là sự biến mất của một vài phương án. Điều này không ảnh hưởng gì tới kết quả giáo dục. Còn nếu vẫn theo hướng tiếp cận nội dung của sách giáo khoa cũ, thì sự biến mất của một vài cuốn sách giáo khoa chắc sẽ gây hoang mang tột độ. Và thêm một cuốn sách là thêm một sự rắc rối, thêm một nguy cơ phá vỡ tính thống nhất của nội dung, tính logic của kiến thức.

Đề xuất gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Kích hoạt thư viện, giáo viên được quyền chọn sách ảnh 1

Ông Đào Tuấn Đạt, Chủ tịch hội đồng chuyên môn, Hệ thống Giáo dục Anhxtanh

Ủng hộ giáo viên tự chọn phương án

Ông Đào Tuấn Đạt cho rằng, chắc chắn không có cuốn sách giáo khoa nào là tốt nhất, cũng không có cuốn sách giáo khoa nào tốt hơn. Bởi theo ông Đạt, sách giáo khoa chính là phương án để cụ thể hóa chương trình giáo dục, cùng một yêu cầu sẽ có các phương án khác nhau. Các hoạt động cũng tương tự như vậy. Không thể có một cuốn sách mà mọi phương án đều tốt. Cũng không thể có một cuốn sách mà mọi phương án đều tồi. Một phương án cụ thể có thể tốt với đối tượng học sinh này nhưng lại chưa đủ tốt với đối tượng học sinh khác.

Vì vậy, theo ông Đạt, chỉ có phương án tốt hơn, đó là phương án phù hợp hơn với trình độ học sinh và điều kiện tổ chức dạy học của một lớp cụ thể, không thể có cuốn sách mà mọi phương án đều tốt hơn được. Người giáo viên có thể chọn phương án phù hợp cho mỗi bài học khác nhau ở các cuốn sách khác nhau.

Ông Đạt cho rằng, thậm chí không chọn phương án nào mà dùng phương án của riêng mình. Chương trình giáo dục cho phép điều đó, và đó chính là sự sáng tạo của giáo viên. Giữa các vùng miền, giữa các trường, giữa các lớp, thậm chí trong cùng một lớp trình độ học sinh khác nhau.

“Vì vậy không thể có một cuốn sách giáo khoa nào là duy nhất lại tốt cho tất cả. Chúng ta cần có nhiều sách, càng nhiều càng tốt để thêm sự lựa chọn cho giáo viên và học sinh. Phương án tồi nhất là phương án “chỉ có một sự lựa chọn”- ông Đạt nêu quan điểm.

Đề xuất: Hệ thống thư viện trường học phải được kích hoạt, sửa luật để giáo viên được quyền chọn sách giáo khoa

Ông Đào Tuấn Đạt cho rằng, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam sách giáo khoa được viết theo mô hình hoạt động, thay thế cho sách giáo khoa truyền thống được viết theo mô hình thuyết trình. Sách sẽ làm thay đổi căn bản phương pháp dạy học, tăng khả năng tương tác và tính chủ động trong việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh.

Để sách giáo khoa mới thực sự phát huy vai trò tích cực của mình trong việc đổi mới quá trình dạy - học, ông Đạt đề nghị:

Thứ nhất, hệ thống thư viện trường học phải được kích hoạt với đầy đủ các bản sách giáo khoa khác nhau trong danh sách sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và đào tạo phê duyệt. Giáo viên và học sinh được mượn sách ở thư viện mà không phải mua sách. Sách ban đầu có thể do nhiều nguồn, trong đó có thế hẹn trước để lại cho thế hệ sau. Đó không chỉ đơn thuần là một cuốn sách để lại, mà là “tình nghĩa giáo khoa thư” giữa các thế hệ.

Thứ hai, cuốn sách giáo khoa dùng làm tài liệu tham khảo chính do tổ bộ môn của mỗi đơn vị giáo dục chọn lựa hằng năm, trong danh mục sách giáo khoa do các tỉnh thành quyết định “

“Về lâu dài nên nghiên cứu sửa luật để người giáo viên được quyền chọn sách giáo khoa tham khảo chính. Vì chỉ người giáo viên mới biết cuốn sách nào là phù hợp nhất với học sinh lớp mình dạy. Đây còn là tinh thần tự do học thuật và coi trọng chuyên môn nhà giáo. Các thầy cô không được chọn bài mình muốn dạy để tốt nhất cho học trò của mình thì sao gọi là “kỹ sư tâm hồn” được”- ông Đạt đặt vấn đề.

Nguồn: Đề xuất gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Kích hoạt thư viện, giáo viên được quyền chọn sách (tienphong.vn)